Người tiêu dùng “sốt xình xịch” với thực phẩm bẩn

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Cận Tết, cơ quan chức năng liên tục công bố hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những sự việc trên làm tăng mối lo với người tiêu dùng, khi nhu cầu mua thực phẩm thời gian này tăng mạnh.

Người tiêu dùng vẫn lo về an toàn thực phẩm ngày Tết. Nguồn: Internet
Người tiêu dùng vẫn lo về an toàn thực phẩm ngày Tết. Nguồn: Internet

Mặc dù các bộ, ban, ngành đã quyết liệt đẩy mạnh kiểm tra, xử lý tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong đó, các địa phương đều phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh/thành phố xuống tận xã/phường để kiểm tra các mặt hàng thực phẩm Tết từ đầu tháng 1/2018. Thế nhưng, tình trạng hàng hóa mất VSATTP vẫn đang là vấn nạn nhức nhối.

Nỗi lo thực phẩm dịp Tết

Ngoài nỗi lo về giá cả leo thang, người tiêu dùng còn đối mặt với nỗi lo về thực phẩm bẩn và hàng hóa không bảo đảm chất lượng, VSATTP. 

Hai năm nay, cận Tết, gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) lại lên kế hoạch về quê đặt thực phẩm sạch để sử dụng trong những ngày Tết. “Năm nào cũng vậy, cách Tết khoảng 1 tháng, mình gửi tiền về nhờ ông bà ở quê đặt trước cho nào là thịt gà, thịt bò, rồi rau, củ, trái cây. Đến khoảng 25 Tết sẽ chuyển lên Hà Nội cho gia đình mình. Ở quê mua được của người quen nên cũng yên tâm, chứ mua ở chợ trên này, chẳng biết đường nào mà lần”, chị Huyền chia sẻ.

Chia sẻ nỗi lo thực phẩm bẩn, anh Hoàng Anh Minh (Linh Đàm, Hà Nội) cho hay, mỗi lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu là thêm một lần người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin, thêm âu lo cho bữa ăn của gia đình. 

“Không chỉ có Tết, vài năm nay, gia đình tôi đã không sử dụng thịt, rau mua ở Hà Nội. Mỗi tháng, tôi nhờ người thân ở quê chuyển lên khoảng 3 chuyến thực phẩm. Nhiều khi thực phẩm để lâu trong tủ lạnh sẽ không ngon bằng ăn tươi, nhưng thà không ngon mà đảm bảo VSATTP còn hơn là rước bệnh vào người”, anh Minh nói.

Còn anh Hoàng Sơn, quê ở Thanh Hóa, cho biết: “Cứ đến ngày 23, Tết ông Công, ông Táo, ở quê tôi có tục “đụng” lợn, bò. Khoảng 10 nhà chung nhau một con lợn, bò, sau đó mổ thịt chia đều. Vì vậy, thịt sẽ rất bảo đảm VSATTP, do tự nuôi bằng rau và gạo của nhà mình”.

Chị Mai Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, do đó để mang lại niềm tin cho mình và người thân trong gia đình có những bữa cơm sạch, chị Mai Anh tìm đến mối thân quen là bạn bè bán hàng trên mạng xã hội. 

“Tết năm nay tôi chọn mua thực phẩm do những người bạn tôi quen biết bán. Chẳng hạn như mứt Tết tôi mua qua một người bạn từ thời đại học, do tự làm nên cũng yên tâm về chất lượng, không có hóa chất, phẩm màu độc hại”, chị Mai Anh nói.

Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng may mắn tìm được những mối thân quen, hay về quê để tìm mua thực phẩm sạch. Nhiều người tiêu dùng đôi khi cũng phải “khuất mắt trông coi” khi lựa chọn thực phẩm.

Càng kiểm tra càng phát hiện nhiều

Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… có nhu cầu tiêu dùng gấp 10 lần so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình, nguy cơ thực phẩm mất an toàn được đưa ra thị trường dịp này vì thế cũng rất lớn.

Từ đầu tháng 1 đến nay, trên cả nước có hàng trăm vụ vi phạm ATTP bị phát hiện và tiêu hủy. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết TP. Hà Nội lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và gần 700 đoàn kiểm tra của 30 quận, huyện, thị xã. Sau nửa tháng ra quân, các đoàn đã kiểm tra gần 6.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó, 561 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện hàng trăm vụ việc mất ATTP. Điển hình, mới đây cơ quan liên ngành kiểm tra 2 container chứa lượng lớn sản phẩm tai, da lợn và gà philê tại bãi giữ ôtô Trần Phương (Bà Điểm, Hóc Môn) có tổng trọng lượng lên đến hơn 25 tấn hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về kho lạnh ở quận Thủ Đức bảo quản, chờ xử lý, đồng thời lấy các mẫu để kiểm nghiệm.

Không chỉ có các thành phố lớn, tại các tỉnh như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng… lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, buôn bán tại gia đình và chợ dân sinh thực phẩm bẩn, như: Măng ngâm trong nước để cả tháng trời không thối; bánh kẹo sản xuất kiểu “thủ công” bày bán tràn lan; thịt gia súc, nội tạng động vật được tẩy trắng nhờ hóa chất H2O2.

Ngoài ra, hàng nghìn sản phẩm được làm giả, làm nhái thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng đang được các đầu nậu lén lút tuồn ra thị trường nhằm trà trộn với hàng thật để bán. Nhưng số lượng vụ việc được phát hiện vẫn còn rất nhỏ so với con số thực tế trên.