Nguồn tài chính để bảo vệ, quản lý di sản thế giới tại Việt Nam

PV.

Nghị định 109/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 21/09/2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã nêu rõ 5 nguồn tài chính để phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bao gồm: Ngân sách nhà nước; Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới; Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Các khoản thu từ phí tham quan và khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Nghị định 109/2017/NĐ-CP nêu rõ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối, xác định tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di sản thế giới; Bố trí vốn cho việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, đồ án quy hoạch tổng thể di sản thế giới.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2017.