Nguy cơ chiến tranh thương mại
(Tài chính) Việc Nga và Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa đối với Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới.
Công khai trả đũa
Nhằm kiềm chế những can thiệp của Nga vào căng thẳng ở Ukraine, ngày 29/7 Hoa Kỳ và EU đồng loạt công bố gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Các lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào 2 ngành chủ chốt của Nga là dầu mỏ và vũ khí.
Các doanh nghiệp nhà nước của Nga cũng gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận thị trường vốn phương Tây và có thể bị đóng băng số cổ phiếu đang giao dịch trên TTCK châu Âu và New York. Hãng hàng không giá rẻ Dobrolet cũng buộc phải tạm ngừng tất cả các chuyến bay bởi lệnh cấm vận khiến hãng không thể thuê máy bay Boeing.
Đáp lại, ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho chính phủ lên dự thảo về những biện pháp trả đũa đáp lại các lệnh trừng phạt “không thể chấp nhận được” của phương Tây. “Dùng sức ép lên nền kinh tế làm công cụ chính trị là điều không thể chấp nhận được và đi ngược với tất cả các luật lệ cũng như quy tắc thông thường. Chính phủ Nga đã đưa ra một số biện pháp phản ứng lại lệnh cấm vận của một vài quốc gia. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất Nga, đã đến lúc nghĩ đến các biện pháp này” - ông Putin nói.
Tiếp đó, ngày 7/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga có thể cấm tất cả các chuyến bay giữa châu Á và châu Âu bay qua không phận nước này. “Đầu tiên sẽ là lệnh cấm sử dụng không phận của Nga cho các chuyến bay chuyển tiếp thực hiện bởi các hãng hàng không châu Âu và Hoa Kỳ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Medvedev nói. Lệnh cấm này có thể ảnh hưởng tới những hãng hàng không châu Âu như Lufthansa, British Airways, Air France và Finnair. Đây là những hãng có nhiều chuyến bay đường dài tới châu Á.
Theo ước tính của Bank of America Merrill Lynch, sử dụng các đường bay dài hơn sẽ tiêu tốn thêm khoảng 30.000USD trên mỗi chuyến bay do chi phí nhiên liệu và chi phí vận hàng. Lời cảnh báo về hàng không được đưa ra trong buổi thông báo về lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia và Na Uy. Theo đó, Nga sẽ cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, hoa quả, rau củ, bơ sữa, pho mát và cá có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và EU.
Mượn cớ gián điệp
Trong khi đó, nhiều năm qua Hoa Kỳ đã liên tục cáo buộc các sản phẩm viễn thông xuất xứ Trung Quốc như Huawei Technologies và ZTE tiềm ẩn hiểm họa đối với an ninh thông tin của người Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc gây mất ổn định tại các vùng biển tranh chấp. Ngày 28-7, ông Daniel Russel, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách khu vực Bắc Á, đã nói rằng có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên các đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông, quy mô các hoạt động này vượt xa những gì mà các nước cũng có tranh chấp đã làm.
Tại Diễn đàn An ninh khu vực châu Á (ARF) khai mạc hôm qua (10-8), Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vận động các nước ủng hộ kế hoạch kêu gọi ngừng mọi hành động khiêu khích tại các vùng biển đang có tranh chấp, như không đưa ra các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, đình chỉ việc xây dựng trên các đảo, bãi đá đang có tranh chấp.
Phản ứng trước những động thái này, Trung Quốc đã tiến hành nhiều bước đi gây bất lợi cho các công ty lớn của Hoa Kỳ. Microsoft và Symantec là 2 nạn nhân đầu tiên. Chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các bộ, ban ngành chính phủ ngừng việc sử dụng phần mềm diệt virus của Symantec và Kaspersky. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng, phần mềm của Symantec có cửa sau cho phép thâm nhập từ bên ngoài. Đối với Microsoft, Trung Quốc vin vào lý do chống độc quyền để mở chiến dịch điều tra vào cuối tháng 7.
100 nhân viên điều tra đã thu giữ các loại tài liệu và máy tính từ trụ sở của Microsoft đặt tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 2 thành phố khác. Đây là một bước đi trong chiến dịch chống độc quyền đang được Trung Quốc theo đuổi sát sao trong thời gian gần đây. Trước đó, Ủy ban Phát triển và cải cách Trung Quốc cũng đã lục soát trụ sở của hãng Mercedes-Benz đặt tại Thượng Hải, thẩm vấn lãnh đạo và các nhân viên đối với vấn đề giá cả phương tiện, tờ Nhật báo Trung Quốc đưa tin.
“Những quan ngại gia tăng trong vấn đề an ninh là cái cớ hợp lý để Trung Quốc loại bỏ các sản phẩm công nghệ thông tin ngoại nhập khỏi những ngành chủ chốt như năng lượng, ngân hàng và chính trị” - chuyên gia Bryan Wang của Công ty Nghiên cứu Forrester Research nhận xét trên Trung Quốc Nhật báo.
Tiếp đó, ngày 7/8, 10 sản phẩm của Apple, bao gồm tất cả các phiên bản của điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook đã bị đưa vào danh sách “đen” của Ủy ban Cải cách Quốc gia Trung Quốc và Bộ Tài chính, đồng nghĩa với việc các cơ quan của chính phủ Trung Quốc sẽ không được phép đặt mua và sử dụng những sản phẩm này của Apple. Lệnh cấm sẽ được áp dụng cho tất cả các cơ quan chính phủ từ Trung ương đến địa phương tại Trung Quốc.
Lý do được Bắc Kinh đưa ra để giải thích cho lệnh cấm bất ngờ này là lo ngại về các thiết bị và sản phẩm phần cứng của phương Tây có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp các cơ quan chính phủ của Trung Quốc và theo dõi dấu vết nhờ vào tính năng định vị trên các thiết bị này. Hồi giữa tháng 7, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt gọi iPhone của Apple là “mối đe dọa quốc gia”, khi cho rằng tính năng định vị Frequent Locations trên iPhone có thể sử dụng để thu thập dữ liệu và làm lộ tình hình kinh tế quốc gia, thậm chí là các bí mật quốc gia tại Trung Quốc.
Tuy nhiên phía Apple sau đó đã phủ nhận cáo buộc này và khẳng định chức năng định vị được sử dụng để giúp người dùng iPhone hiển thị địa điểm mình đang ở, hoặc để giúp tài xế định vị đường đi nhằm tránh kẹt xe. Tính năng này có thể tắt nếu không cần sử dụng đến.