Nguy cơ chiến tranh tiền tệ bùng nổ, giá vàng tiếp tục biến động khó lường
Giá vàng thế giới treo trên đỉnh 6 năm qua, thậm chí có thời điểm Hợp đồng tương lai vàng đã vượt mức 1.500 USD/ounce. Dự báo giá vàng tới đây tiếp tục biến động khó lường trong bối cảnh dường như một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai ông lớn của kinh tế toàn cầu là Mỹ - Trung đang diễn ra, trong khi các nhà đầu tư đang trở nên cẩn trọng hơn và vẫn tìm đến một công cụ đầu tư dự trữ có giá trị.
Phiên sáng nay, giá vàng thế giới và trong nước tăng vọt, giao dịch ở ngưỡng 1.489 USD/ounce, tương đương 41,81 triệu đồng/lượng, thậm chí, có thời điểm Hợp đồng tương lai vàng đã vượt mức 1.500 USD/ ounce.
Trong nước, tại thời điểm 9h sáng nay tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 41,05 – 41,40 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều chiều bán ra so với chốt phiên chiều hôm qua. Giá vàng hiện đang giao dịch ở mức cao đạt đỉnh trong 6 năm qua.
Nhiều lí do khiến giá vàng tăng giá phi mã như thời gian qua. Cụ thể, giá vàng tăng chủ yếu do giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh thả cho đồng NDT giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD.
Sự mất giá của đồng USD cũng có thể khiến giới đầu tư quan tâm đến vàng nhiều hơn. Một báo cáo của Ngân hàng JP Morgan cho rằng, trong những thập kỷ tới, nền kinh tế thế giới sẽ chuyển từ sự thống trị của Hoa Kỳ và USD sang một hệ thống mà châu Á nắm giữ quyền lực lớn hơn. Trong không gian tiền tệ, điều này có nghĩa là USD có thể sẽ mất giá so với một rổ các loại tiền tệ khác, bao gồm cả hàng hóa quý giá như vàng.
Bên cạnh đó, vàng tăng giá còn do nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm và căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn ở nhiều nơi trên thế giới. Căng thẳng ở Vùng Vịnh lại chuẩn bị bùng phát, sau thông tin Iran lại bắt tàu trở dầu nước ngoài thứ 3.
Dự báo giá vàng tới đây tiếp tục biến động khó lường trong bối cảnh dường như một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa hai ông lớn của kinh tế toàn cầu là Mỹ - Trung đang diễn ra. Căng thẳng thương mại toàn cầu với các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa Mỹ-Trung dường như không có điểm dừng và rơi vào tình trạng khó kiểm soát.
Đối với giới đầu tư vàng trong nước, một số doanh nghiệp vàng cho rằng, dù giá vàng hiện đang giao dịch ở mức cao đạt đỉnh trong 6 năm qua và vẫn có xu hướng tăng. Đây là cơ hội thích hợp để người dân và các nhà đầu tư mua bán để chốt lời.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phạt nguy cơ gia tăng, việc đầu tư vàng cũng là sự lựa chọn hợp lý. Thực tế cho thấy, nhu cầu về vàng tăng suốt thời gian lạm phát do giá trị của chúng ít biến động và do nguồn cung hạn chế.
Theo một số chuyên gia, vàng là một trong những kim loại được sử dụng rộng rãi nhất nhờ vai trò quan trọng đối với giới đầu tư và tiêu dùng trên thế giới. Dù vàng không còn được sử dụng như một đồng tiền tại các nước phát triển, nó vẫn tác động mạnh tới giá trị của những đồng tiền khác.
Hơn thế nữa, có một sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị của vàng và của những đồng tiền giao dịch trên thị trường ngoại hối. Cùng với căng thẳng thương mại và tiền tệ Mỹ - Trung, sự biến động của giá vàng chắc chắn sẽ kéo theo thêm nhiều biến động trên thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, đẩy thế giới vào những diễn biến khó lường hơn.
Trước sự kiện đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định đây chỉ là phản ứng mang tính chất tâm lý, tạm thời và khó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ. Như vậy, nếu nỗi lo này được giải quyết, khả năng tăng giá vàng mạnh trong thời gian tới chưa chắc đã như một số dự báo, thậm chí có thể quay đầu. Do vậy, sự cẩn trọng trong đầu tư hay đầu cơ vàng đều không bao giờ thừa.