Nguy cơ khủng hoảng nợ công trên thế giới và giải pháp quản lý nợ công hiệu quả

PGS., TS. Nguyễn Đình Hòa, ThS. Nguyễn Chiêu Thụy - Trường Đại học Cửu Long

Nợ công không chỉ là nỗi bận tâm của nước nghèo mà còn là vấn đề chung của mỗi quốc gia. Những năm gần đây, nợ công toàn cầu có xu hướng tăng. Bài viết này phân tích thực trạng nợ công trên thế giới hiện nay, hệ lụy của khủng hoảng nợ công và các giải pháp để quản lý nợ công có hiệu quả.

Thực trạng nợ công của thế giới hiện nay

Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), những năm gần đây, thâm hụt tài chính khiến mức nợ công tăng cao tại nhiều nước, do các chính phủ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với sự tăng vọt của giá lương thực và năng lượng (ngay cả khi họ chấm dứt hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19).

IMF cho biết: “Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tăng trong nhiều thập kỷ. Nợ công toàn cầu đã tăng gấp 03 lần kể từ giữa những năm 1970, đạt 92% GDP (trên 91.000 tỷ USD) vào cuối năm 2022. Nợ tư nhân cũng tăng gấp 03 lần lên 146% GDP (gần 144.000 tỷ USD), nhưng trong khoảng thời gian dài hơn từ năm 1960 đến năm 2022”.

Tổng cộng 52 quốc gia đang phát triển - nơi có một nửa dân số thế giới sống trong cảnh nghèo cùng cực - đang phải đối mặt với các vấn đề nợ nghiêm trọng và chi phí đi vay cao. Khoảng 60% các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp hiện ở trong tình trạng rủi ro cao hoặc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, và đã hoặc sắp bắt đầu quá trình tái cấu trúc nợ (con số này là 40% trước đại dịch COVID-19).

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD tính đến giữa năm 2023. Mức nợ trên đã tăng thêm 100.000 tỷ USD so với một thập kỷ trước. Hơn 80% số nợ tăng mới nhất đến từ các nước phát triển. Trong số các thị trường mới nổi, mức tăng lớn nhất đến từ các nền kinh tế như: Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Trong 20 nền kinh tế phát triển nhất hiện nay, 11 quốc gia có tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP ở mức hơn 100%. Đứng đầu là Nhật Bản với tỷ lệ này ở mức trên 100% trong suốt hai thập kỷ qua. IMF dự báo tỷ lệ nợ chính phủ/GDP của Nhật Bản năm 2023 là 255%. Với áp lực về tiền lương và giá cả đang giảm dần, dù với tốc độ chậm, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ước vẫn vượt 337% vào cuối năm 2023 đạt 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm qua.

Tại châu Âu, tỷ lệ nợ công vẫn đáng lo ngại ở một số nền kinh tế từng trải qua khủng hoảng nợ tồi tệ hơn 10 năm trước, như Tây Ban Nha, Italia. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva mới đây đã kêu gọi các nước: Italia, Pháp, Tây Ban Nha nỗ lực hơn trong việc giải quyết tình trạng nợ.

Một vấn đề đáng lo ngại là nợ công có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, một phần do chính sách dân túy của một số chính phủ sau bầu cử. Các chuyên gia của IIF tính toán rằng, sẽ có hơn 50 cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024, trong đó có bầu cử tại Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Trước sự phân cực chính trị và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các chính sách dân túy có thể được thực thi sau bầu cử, như việc nới lỏng kỷ luật tài chính, làm gia tăng khoản vay và chi tiêu của chính phủ, sẽ làm gia tăng “gánh nặng nợ công” trên quy mô toàn cầu.

Hệ lụy của quản lý nợ công thiếu hiệu quả

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của nợ công đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của mỗi quốc gia, tuy vậy, nếu như các nhu cầu chi tiêu công là quá ngưỡng an toàn trong quan hệ “vay - trả” thì các nguy cơ mất an toàn cho thị trường tài chính thế giới sẽ phát sinh. Có thể nhận diện các tác động bất lợi của nợ công đối với thị trường tài chính dưới các góc độ sau đây.

Thứ nhất, tác động đến chính sách tiền tệ quốc gia.

Nợ công gia tăng sẽ gây áp lực lớn lên nền kinh tế, đẩy lãi suất lên cao. Lý do là bởi khi chính phủ tăng cường vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ dẫn tới cầu về vốn vay tăng lên trong khi cung trên thị trường vốn không đổi, đẩy lãi suất tăng lên.

Để ngăn ngừa xu thế tăng lãi suất trong trường hợp này, thường ngân hàng trung ương (NHTW) phải thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua kênh tái chiết khấu, can thiệp trên thị trường mở… Tuy nhiên, chính sách này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, trong dài hạn, nó ít tác động đến lãi suất thực và có thể đẩy lạm phát danh nghĩa lên cao. Trong trường hợp các nhà điều hành chính sách tiếp tục tài trợ thâm hụt ngân sách bằng nợ công có thể bị rơi vào tình trạng “bẫy thu nhập” . Khi đó, lạm phát là một hiện tượng chính sách hơn là một hiện tượng tiền tệ.

Thứ hai, gây hiệu ứng mất không cho xã hội.

Trong nền kinh tế, do tác động của thuế đến thu nhập của các thành viên xã hội, việc chuyển giao tài chính giữa các thành viên tạo ra sự điều chỉnh thu nhập do thuế, do đó, làm biến dạng thu nhập của các thành viên xã hội. Khi Chính phủ quyết định tăng thu thuế để bù đắp thiếu hụt của ngân sách sẽ gây hiệu ứng điều chỉnh lại mức thu nhập trong dân chúng, tức là làm giảm thu nhập thuần của dân chúng. Khi thu nhập ròng giảm xuống sẽ khiến đầu tư tư nhân bị thu hẹp. Nếu như chính phủ tăng thu thuế trong nền kinh tế làm thu hẹp đầu tư khu vực tư nhân, nhưng đầu tư của chính phủ lại lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả sẽ làm suy giảm hiệu quả nguồn lực tài chính của xã hội. Đây chính là hiệu ứng làm mất không trong đầu tư công.

Hiệu ứng mất không này còn xảy ra đối với các khoản vay nợ nước ngoài. Sở dĩ như vậy là bởi khi chính phủ đi vay nợ nước ngoài bằng các đồng ngoại tệ thì sẽ phải thường trực đối diện với các loại rủi ro lãi suất và tỷ giá do các biến số này thường xuyên biến động. Lãi suất tăng cao trên toàn cầu và đồng USD mạnh đã khiến các quốc gia mắc nợ phải trả thêm nhiều chi phí cho các khoản vay của họ. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết hơn một phần ba số nợ nước ngoài của các quốc gia đang phát triển có liên quan đến tình hình lãi suất thay đổi cũng như dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động đột ngột.

Thứ ba, nguy cơ bị lạm dụng, tạo ra những hậu quả khôn lường đối với sự ổn định bền vững của thị trường tài chính.

Xét về nguyên tắc, các khoản chi tiêu từ ngân sách nhà nước (NSNN) là để tạo ra các hàng hóa, dịch vụ công. Thông thường đây là các hàng hóa thiết yếu đối với KT - XH mà khu vực tư nhân không muốn đầu tư hoặc do độc quyền tự nhiên của Nhà nước để đầu tư. Xuất phát từ đó, tất cả các hàng hóa dịch vụ công đều đem lại hiệu quả chung và phải lấy mức độ lợi ích về KT - XH mà các hàng hóa công đem lại để đo lường tính hữu ích của các hàng hóa dịch vụ công.

Tuy vậy, việc đánh giá hiệu quả của các dịch vụ công là rất khó khăn và phức tạp, bởi nó quá đa dạng và nhiều loại dịch vụ đem lại lợi ích phi kinh tế. Chính sự đa dạng và phức tạp như vậy nên rất dễ dẫn đến tình trạng một số chính phủ sử dụng NSNN lãng phí không đem lại lợi ích thực cho nền KT- XH, chẳng hạn, chỉ nhằm duy trì đời sống phồn vinh một cách giả tạo hoặc để lấy lòng cử tri với tư duy “nhiệm kỳ” trong bầu cử là chính.

Thứ tư, làm tăng các bất ổn kinh tế vĩ mô, gây khủng hoảng niềm tin quốc gia.

Một khi chính phủ chi tiêu ngân sách “vung tay quá trán” chỉ cốt để duy trì đời sống phúc lợi phồn vinh một cách giả tạo hoặc chi đầu tư phát triển nhưng lại thiếu hiệu quả, tham nhũng thất thoát lớn, thì tất yếu, sẽ làm mất niềm tin của công chúng trong nước cũng như các đối tác quốc tế.

Khi dân chúng trong nước mất niềm tin vào chi tiêu của chính phủ bởi tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và kéo dài tất yếu sẽ gây hiệu ứng lạm phát kỳ vọng trong nền kinh tế, điều này sẽ khiến chính phủ rất khó khăn trong thực thi các chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô, hơn nữa, nó còn tạo ra sự bất mãn trong xã hội và sự khó khăn của chính phủ trong việc phát hành các TPCP để vay nợ trong tương lai bởi niềm tin của các nhà đầu tư bị sụt giảm.

Khi các đối tác nước ngoài mất niềm tin về khả năng sử dụng hiệu quả các khoản chi tiêu công của chính phủ thì hậu quả tất yếu sẽ là một sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài. Sự tháo chạy này sẽ gây đổ vỡ thị trường tài chính rất nhanh một khi nền kinh tế trong nước phụ thuộc vào vốn nước ngoài. Bài học này rút ra từ thực tế của các nước Mỹ Latinh những năm 1980 -1990 hay tại các nước Đông Á 1997-1998.

Thứ năm, vay nợ nước ngoài có thể ảnh hưởng đến sự độc lập tự chủ của một quốc gia.

Đi kèm với các khoản vay quốc tế, nhất là với các khoản vay ưu đãi, thường có các điều kiện nhất định, có thể là các điều kiện thuần túy về kinh tế (như phải sử dụng các chuyên gia, các nhà thầu theo chỉ định, phải nhập khẩu các kỹ thuật công nghệ theo chỉ định. Một khi thâm hụt ngân sách lớn, chính phủ buộc phải có các nhượng bộ để được tiếp cận các nguồn vốn vay quốc tế và khi đó, sự độc lập tự chủ của quốc gia sẽ từng bước bị đe dọa.

Đối với hệ thống ngân hàng, những tác động của nợ công được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Một là, làm thay đổi quy mô, cơ cấu vốn và tài sản của các ngân hàng.

Tiền gửi của khách hàng (huy động vốn trên thị trường 1) là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng (chúng thường chiếm trên 70% tổng nguồn vốn của ngân hàng). Dưới tác động của khủng hoảng nợ công, đồng nội tệ sẽ bị mất giá. Khi đồng tiền bị mất giá cũng như niềm tin vào hệ thống ngân hàng bị giảm sút, người dân sẽ không muốn gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường nắm giữ ngoại tệ, vàng hoặc mua hàng hóa để cất trữ. Kết quả là số lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sụt giảm, làm giảm nguồn vốn huy động từ thị trường 1 và kết cấu vốn của ngân hàng sẽ có sự thay đổi căn bản.

Tiền vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD) (vốn vay từ thị trường 2) có được từ việc vay nợ các TCTD khác trên thị trường liên ngân hàng. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính, lãi suất thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng cao, do các TCTD không sẵn lòng cho vay lẫn nhau (do chưa xác định được mức độ rủi ro trong chính bản thân hệ thống ngân hàng). Kết quả là vốn huy động từ thị trường 2 cũng bị sụt giảm. Tất cả những nhân tố trên làm gia tăng nguy cơ rủi ro thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng.

Hai là, gây khó khăn cho công tác quản lý thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Khủng hoảng nợ công khiến thị trường tài chính bất ổn, công tác quản lý thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng vì thế sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, bởi vì, với sự mất ổn định của thị trường tài chính làm suy giảm niềm tin của những người gửi tiền, khi đó, nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt là rất dễ xảy ra (Cuộc khủng hoảng nợ công năm 2001-2002 ở Argentina là minh chứng rõ nét cho tình huống này). Nguy cơ mất khả năng thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ, hoạt động mạo hiểm là rất cao. Nếu không xử lý kịp thời và hiệu quả vấn đề thanh khoản thì sự đổ vỡ toàn hệ thống là rất khó tránh khỏi.

Ba là, rủi ro tín dụng và hối đoái diễn biến phức tạp, gián tiếp tác động tới rủi ro thanh khoản của ngân hàng.

Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các ngân hàng thường phải thu hẹp tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro trong cho vay. Nhưng điều này lại làm cho cầu tín dụng gia tăng nóng và kéo theo lãi suất tín dụng (LSTD) gia tăng (LSTD tăng phần nhiều do sự tác động của sự tăng lên của lãi suất thị trường do khủng hoảng nợ công gây ra). Khi LSTD tăng sẽ khiến cho cầu tiền tệ và tín dụng sụt giảm, các khoản nợ xấu có xu hướng tăng lên. Một số tài sản của ngân hàng (đặc biệt là các khoản cho vay) bị giảm giá trị, khó thu hồi nợ - Rủi ro tín dụng tăng cao.

Khi có sự thay đổi về lãi suất, tỷ giá thì ngân hàng thường phải gánh chịu nhiều rủi ro do: (1) Giá thị trường của tài sản của ngân hàng bị giảm xuống bằng hoặc thấp hơn các khoản nợ đối với người gửi tiền; (2) Áp lực thanh khoản gia tăng dẫn tới chi phí đáp ứng yêu cầu về thanh khoản tăng lên.

Bốn là, xói mòn năng lực tài chính của các ngân hàng.

Do tỷ lệ nợ xấu gia tăng, lợi nhuận của ngân hàng vì thế sẽ bị suy giảm… Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực tài chính và khả năng tồn tại lành mạnh của các ngân hàng, đặc biệt đối với các NHTM nhỏ sẽ rất dễ bị phá sản.

Lợi nhuận không đạt với những khoản nợ khó đòi kéo dài và chính ngân hàng cũng trở thành những con nợ với các khoản nợ khổng lồ và buộc phải đi đến kết cục bị phá sản hay bị thôn tính sáp nhập.

Năm là, làn sóng sáp nhập, phá sản hàng loạt ngân hàng.

Khủng hoảng nợ làm cho quy mô nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng tăng cao, trong khi giá trị thị trường của phần lớn các danh mục đầu tư chứng khoán bị sụt giảm do lãi suất tăng cao. Vốn chủ sở hữu của các ngân hàng bị sụt giảm nghiêm trọng. Một khi những người gửi tiền nhận ra được những dấu hiệu bất ổn của thị trường tài chính do khủng hoảng nợ gây ra, họ sẽ rút tiền về, các ngân hàng sẽ đối mặt với những khó khăn về vấn đề thanh khoản, nguy cơ kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt các ngân hàng.

Giải pháp quản lý nợ công hiệu quả

Khủng hoảng nợ công luôn rất khó xử lý, đặc biệt là trong những năm gần đây, khi mà các chính phủ khởi xướng các gói ngân sách khổng lồ để xử lý suy thoái kinh tế. Việc sử dụng các gói kích thích kinh tế khổng lồ thiếu cơ sở khoa học và thiếu kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới những hệ lụy khôn lường là khiến dòng đầu tư càng bị thoái lui. Đối với các quốc gia có gánh nặng nợ nước ngoài lớn, lại dựa trên nền tảng tích lũy trong nước thấp, thì vấn đề càng trở nên nguy hiểm bởi sẽ rất khó để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế và nguy cơ khủng hoảng thanh khoản càng hiện hữu.

Nợ công và các loại nợ khác sẽ tác động tiêu cực đến chính sách của nhiều quốc gia, làm hạn chế các giải pháp kích cầu, theo đó “níu bước tăng trưởng” kinh tế toàn cầu. Vấn đề nợ công như trên còn trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và xung đột vũ trang, bất ổn chính trị đang bùng phát ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới hiện nay và tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức thấp trong năm 2024. Mới đây, một số ngân hàng lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024, vì lãi suất ở mức cao, giá năng lượng cao hơn, cũng như tốc độ tăng trưởng ở hai đầu tàu kinh tế là Mỹ và Trung Quốc đã giảm tốc.

Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine, bạo lực giữa Hamas và Israel leo thang, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do căng thẳng ở biển Đỏ sẽ cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh nêu trên, cùng với kích cầu tăng trưởng, khống chế nợ công đang trở thành nhiệm vụ cấp bách ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Theo WB, các nước đang phát triển đã chi ra số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD vào năm 2022 để trả nợ công khi lãi suất toàn cầu tăng cao. Theo Báo cáo nợ quốc tế mới nhất do WB công bố ngày 13/12/2023, số tiền trả nợ của 24 quốc gia nghèo nhất thế giới có thể tăng tới 39% vào năm 2023 và 2024. Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình trên, WB cho biết đã xảy ra 18 vụ vỡ nợ ở 10 quốc gia đang phát triển trong 03 năm qua - nhiều hơn tổng số vụ vỡ nợ trong hai thập kỷ trước đó cộng lại. Danh sách này bao gồm các nước như Ghana, Sri Lanka và Zambia.

Vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn nợ công là vấn đề cấp bách hiện nay đối với các nước. Với thực tế trên, theo nhóm tác giả nghiên cứu, các chính phủ cần phải thực hiện các giải pháp gồm:

Thứ nhất, quản lý nghiêm, chặt chẽ trần nợ và ngưỡng nợ công hiệu quả là điều kiện tiên quyết để kiểm soát được an toàn nợ công. Các chính phủ phải xây dựng thêm các tiêu chí chất lượng và hiệu quả của nợ công. Vấn đề then chốt nhất trong quản lý an toàn nợ công là quản lý chặt chẽ nợ vay nước ngoài liên quan đến chi phí nợ và các rủi ro tiềm ẩn. Tỷ lệ nợ công vay nước ngoài càng cao thì nguy cơ mất khả năng trả nợ và mất chủ quyền tài chính quốc gia càng cao.

Thứ hai, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan quản lý nợ công, đồng thời, đảm bảo cơ chế phối hợp trong quản lý nợ công linh hoạt và hiệu quả.

Thứ ba, quản lý và giám sát rủi ro thông qua các chỉ số giám sát nợ công theo chuẩn mực quốc tế; quản lý mục đích và hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó chỉ được sử dụng nợ công vào các mục đích của chính sách công và lĩnh vực tài chính công thực sự cần thiết và có hiệu quả, đặc biệt chỉ vay nợ cho đầu tư tăng trưởng và phát triển.

Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch thông tin về nợ công định kỳ hằng tháng, hằng năm, quy định rõ trách nhiệm của người công bố thông tin. Tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan lập pháp và các cơ quan dân cử, tăng cường hoạt động kiểm toán của các cơ quan kiểm toán nhà nước để kiểm tra, đánh giá nợ công và quản lý nợ công cả về mức độ tin cậy, cả về tính tuân thủ, tính kinh tế, tính hiệu quả của việc vay, quản lý nợ vay, chi phí vay và trả nợ tiền vay.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bố trí hợp lý quan hệ tích lũy và tiêu dùng, mức bội chi ngân sách nhà nước tạo cơ sở tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn và bền vững. Các chính phủ khó tránh khỏi phải tăng thuế để tăng nguồn thu để trả nợ, do đó cần nâng cao kỷ luật kỷ cương quản lý thu chi và sử dụng ngân sách nhà nước và nợ công.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đức Anh, Nợ chính phủ của các nước phát triển đang nhiều cỡ nào? https://vneconomy.vn;
  2. An Huy, Nợ công toàn cầu tăng chóng mặt, một cuộc khủng hoảng mới đang hình thành? https://vneconomy.vn;
  3. Nguyễn Đình Hòa, Phân tích chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa dưới góc nhìn kiểm toán. NXB Chính trị Quốc gia sự thật 2024;
  4. Gia Minh, Quả bom nợ công toàn cầu sắp phát nổ?, https://tuoitre.vn;
  5. Hoàng Trang, Các nước đang phát triển phải trả số nợ cao kỷ lục, baotintuc.vn.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023