Nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới từ Trung Quốc
Việc Trung Quốc phát hiện các chủng đột biến mới đang gây lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 mới tại châu Á trong thời gian tới.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, quá trình theo dõi, giám sát các chủng virus SARS-CoV-2 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cho thấy, các ca bệnh ở Hàng Châu trong tuần qua đều là chủng đột biến Omicron BA.5.2 và BF.7. Trong đó, BA.5.2 chiếm 54,17% và BF.7 chiếm 45,83%. Đồng thời, các dòng virus nhánh tiến hóa khác như Omicron XBB, BQ.1, BQ.1.19 cũng đã được phát hiện trong số những người nhập cảnh trong vòng quản lý khép kín.
Chủng XBB và BQ.1 có mức độ lây truyền mạnh và khả năng chống miễn dịch. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy độc lực của nó không khác biệt nhiều so với các chủng trước đây và tỷ lệ bệnh nặng cũng như tử vong không gia tăng ở các quốc gia xuất hiện hai chủng này.
Tuy nhiên, với sự mở cửa vội vàng từ Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại đột biến virus mới có thể hình thành từ sự kết hợp của các chủng virus SARS-CoV-2, hoặc cũng có thể sản sinh từ một chủng hoàn toàn khác biệt.
Theo TS. Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins: "Mỗi ca nhiễm mới đều tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 đột biến, đặc biệt là với các biến chủng virus đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc với khả năng chống miễn dịch tăng cao. Điều này sẽ làm gia tăng sự xuất hiện của biến chủng mới".
Chuyên gia này cho rằng, khó có thể dự đoán được liệu chủng mới có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Ông chỉ ra, trên thực tế, phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thể nhẹ tại nhiều quốc gia trên thế giới do khả năng miễn dịch tích lũy thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên, không phải do virus đã giảm độc lực.
Mặc dù vậy, TS. Chris Murray, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Washington, có trụ sở tại Seattle, cho biết có rất ít khả năng một biến thể COVID-19 mới nguy hiểm đang tiềm ẩn ở Trung Quốc.
"Đã có hàng trăm ngàn ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới trong năm 2022, nhưng không có biến thể mới nào xuất hiện, chỉ có các nhánh nhỏ của những chủng đột biến Omicron. Đó là lý do tại sao tôi đánh giá việc sẽ có một biến thể mới nguy hiểm ở Trung Quốc ở mức rủi ro thấp. Sẽ cần một số đặc điểm rất đặc biệt để một biến thể mới xuất hiện và thay thế Omicron", ông Murray nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra, nghiên cứu về bộ gen cho thấy vẫn có khả năng xuất hiện một đột biến gây ra bệnh nặng hơn. “Tôi nghĩ sẽ không khôn ngoan nếu chúng ta chỉ cho rằng tất cả các biến thể sẽ giống như Omicron. Chính vì vậy, Trung Quốc cần cung cấp thông tin minh bạch hơn về tình hình dịch bệnh đang xảy ra tại quốc gia này", ông Murray nói.
“Dấu hiệu sớm nhất của một số biến thể mới sẽ là sự thay đổi trong số ca nhập viện hoặc tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19, chứ không chỉ là sự gia tăng số ca nhiễm mới", ông Murray phân tích.
Đồng quan điểm, TS. Carlos Del Rio, Phó hiệu trưởng của Trường Emory cho biết, điều quan trọng nhất thế giới cần ngay bây giờ là Trung Quốc minh bạch hơn trong thông tin về tình hình dịch bệnh và cung cấp chính xác những gì đang diễn ra, về các dữ liệu liên quan đến các chủng virus đang lưu hành tại quốc gia này.
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, cho đến thời điểm hiện tại, các chủng phụ của biến chủng Omicron vẫn đang tiếp tục lưu hành trên toàn cầu và tạo ra các đột biến làm tăng khả năng né tránh hệ miễn dịch do nhiễm bệnh hoặc do vaccine.
Trong báo cáo của CDC Mỹ, các chuyên gia cũng cho biết virus SARS-CoV-2 vẫn đang liên tục thay đổi và tích lũy các đột biến trong mã di truyền của nó theo thời gian. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 dự kiến sẽ tiếp tục xuất hiện, lan rộng và có thể thay thế các biến thể trước đó. Do đó, các quốc gia cần chuẩn bị nguồn lực y tế và thuốc kháng virus, cũng như đẩy mạnh tiêm chủng vaccine mũi tăng cường để chủ động trong tình huống xuất hiện các biến thể đáng lo ngại trong tương lai.