Đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và hàm ý cho Việt Nam


Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất kinh doanh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới và làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, qua đó tác động mạnh đến thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới. Gián đoạn chuỗi cung ứng gây nguy hiểm cho dòng chảy hàng hóa trên toàn thế giới và tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do đó, tăng cường khả năng thích ứng trước các tác động từ sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng là mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19

Chuỗi cung ứng là một hệ thống hay tập hợp những hoạt động, tổ chức, thông tin, con người, phương tiện cùng các nguồn lực khác có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất, nhà cung cấp đến với người tiêu dùng.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển (chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế). Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thời gian vận chuyển hàng qua biên giới đã tăng khoảng 25% so với cuối năm 2020.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay mang tính toàn diện, toàn cầu và chưa từng xảy ra. Theo đó, hàng hóa gặp khó khăn trong lưu thông từ các trung tâm sản xuất sang các trung tâm tiêu thụ, ngay trong nội bộ của các quốc gia, từ vùng này sang vùng khác.

Về phía cung, các biện pháp chống dịch được các quốc gia sử dụng phổ biến là phong tỏa, giãn cách xã hội, dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, lễ hội... khiến nguồn cung lao động giảm mạnh. Sự đứt gãy của các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã ảnh hưởng dây chuyền từ ngành này sang ngành khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thu nhập của người dân giảm mạnh dẫn đến cầu tiêu dùng suy giảm.

Về phía cầu, dù mua sắm trực tuyến phát triển hơn nhưng không thể bù đắp được sự suy giảm về cầu khi các nước thực hiện biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân nói chung bị giảm mạnh và tâm lý trì hoãn tiêu dùng do lo ngại đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường đã khiến cho cầu tiêu dùng sụt giảm theo. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào cấu trúc của mỗi nền kinh tế cũng như sự liên kết của nền kinh tế đó với phần còn lại của thế giới.

Kinh nghiệm về thích ứng với sự điều chỉnh chuỗi cung ứng

Sự đứt gãy,gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động tiêu cực đến phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới do làm tăng đáng kể chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá sản phẩm. Ngân hàng Thế giới (WB) (11/1/2022) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt trong năm 2022, cụ thể, giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% của năm 2021, và có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm 2023 khi chính phủ các nước thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ đã được ban hành trong thời gian đại dịch trước đó. IMF (4/2022) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 6,1% trong năm 2021 xuống còn 3,6% trong năm 2022 và năm 2023.

Theo IMF, COVID-19 gây ra 40% sự gián đoạn về nguồn cung, tuy nhiên, IMF cũng cho rằng sự thiếu hụt tình trạng lao động và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp cũng có thể ảnh hưởng dai dẳng đến nguồn cung và lạm phát hơn là việc các nhà máy bị ngừng hoạt động. Ngoài ra, châu Âu và Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới và qua đó sẽ gây ra nhiều sự gián đoạn hơn về nguồn cung.

Theo khảo sát từ Wall Street Journal (2022), khoảng 45% các nhà kinh tế dự báo rằng, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gián đoạn trong ngắn hạn với những thách thức xung quanh tàu chở hàng, tình trạng thiếu lao động và mất cân bằng cung cầu và phải đến nửa cuối năm 2022 mới có sự cải thiện. Xung đột Nga – Ukraina cũng tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn nguồn cung. Nga và Ukraine là 2 nhà cung cấp lớn về kim loại (đồng, niken); cũng là 2 nhà xuất khẩu lúa mỳ chủ chốt của thế giới. Do đó, cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng lương thực, tác động rất lớn đến giá cả của nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới trong thời gian tới.

Để thích ứng với sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng, nhiều quốc gia đã lựa chọn điều chỉnh chính sách theo hướng:

Một là, đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, thu hẹp dần các gói chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng.

Các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân được thực hiện trong vòng 2 năm qua đã gây ra những tắc nghẽn lớn trong nguồn cung. Hầu hết các trung tâm vận chuyển lớn đều đã giảm công suất hoạt động, thời gian vận chuyển hàng qua biên giới bị kéo dài. Hiện nay, đại dịch được kiểm soát nên sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cũng đã giảm đáng kể tuy nhiên vẫn còn căng thẳng so với giai đoạn trước đại dịch. Bên cạnh đó, dù hầu hết các nền kinh tế đều đã quay trở lại trạng thái bình thường mới và chấp nhận sống chung cùng COVID-19, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách "Zero-COVID" nên các quy định phong tỏa vẫn đang tiếp tục gia tăng áp lực lên nguồn cung ứng toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nền kinh tế, đặc biệt là các nước nghèo, các nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương. Để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ đồng nội tệ, thúc đẩy thương mại trong nước phát triển, một số quốc gia và khu vực có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, thực hiện các gói kích thích kinh tế để đẩy mạnh nhu cầu trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để giảm tác động tiêu cực từ sự gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, khi lạm phát có xu hướng tăng tại hầu hết các nước thì các nước bắt đầu thu hẹp hoặc rút dần các gói chính sách tài khóa tiền tệ nới lỏng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hai lần nâng lãi suất lên 0,75%-1%. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,25% lên 1%, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, đẩy chi phí đi vay lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2009 và đưa lãi suất trở lại mức trước COVID-19. Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước Hàn Quốc, Nga, Brazil… cũng đã liên tục tăng lãi suất trong 5 tháng đầu năm 2022 nhằm kiểm soát lạm phát.

Hai là, phát triển sản xuất và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Đứt gãy chuỗi cung ứng tác động tiêu cực đến kinh tế các nước và kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Trong trung và dài hạn, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được khắc phục nhờ việc định hình lại sự phân bố chuỗi cung ứng theo hướng giảm sự tập trung vào một vùng địa lý hay một nước. Tác động của việc Trung Quốc đóng cửa và sự thống trị của nước này trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng đã làm nổi bật thêm vấn đề mà chuỗi cung ứng hiện đại phải đối mặt. Thực tiễn cho thấy, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra đặc biệt đối với các chuỗi cung ứng then chốt như sản xuất và cung ứng chất bán dẫn và chip, dược và thiết bị y tế… Ngay cả một số hãng may mặc và da giầy cao cấp của Tây Ban Nha, Italia đã dịch chuyển chuỗi sản xuất của họ khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha…

Nhật Bản cũng đã có những sáng kiến chính sách nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn quá sự phụ thuộc vào Trung Quốc, khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển hướng sản xuất cũng như mở rộng sản xuất tại nội địa và sang các quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể, Nhật Bản đã dành 23,5 tỷ yên (khoảng 223 triệu USD) trong ngân sách bổ sung đầu tiên của nước này cho năm tài chính 2020 để giúp các công ty chuyển hướng sản xuất sang khu vực ASEAN. Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục mở rộng thương mại với các đối tác mới thông qua các sáng kiến hợp tác đa phương. Theo đó, Nhật Bản đã cùng với Ấn Độ, Australia kêu gọi các nước láng giềng châu Á tham gia sáng kiến “Tự do và công bằng” nhằm đạt được khả năng phục hồi chuỗi cung ứng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ba là, phát triển sản xuất và tiêu dùng trong nước

Với quyết tâm theo đuổi chiến lược “Không COVID” (Zero COVID), dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc gián đoạn nghiêm trọng. Nhiều thành phố của Trung Quốc đã ngừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần, việc phong tỏa khiến hầu hết các tuyến vận tải, cảng biển lớn (Thượng Hải, Thâm Quyến…) bị gián đoạn, hoạt động sản xuất bị đình trệ. Cùng với đó, việc thiếu hụt năng lượng trên diện rộng và thực hiện chính sách cắt giảm lượng carbon, hạn chế tiêu thụ năng lượng đã dẫn đến tình trạng thiếu điện ở nhiều địa phương, làm gián đoạn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tại các nhà máy, làm suy giảm nền kinh tế Trung Quốc và khiến sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Goldman Sachs, khoảng 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do thiếu hụt điện năng, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế.

Gián đoạn chuỗi cung ứng, và tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc chưa giải quyết triệt để, khiến các nhà sản xuất chíp điện tử của Trung Quốc đang tăng tốc nỗ lực giảm sử dụng thiết bị bán dẫn của Hoa Kỳ do lo ngại Hoa Kỳ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc tăng cường hoạt động sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trung Quốc ưu tiên chọn chất bán dẫn trong sáng kiến “Made in China 2025”, thông qua các quỹ đầu tư do Chính phủ hậu thuẫn với nguồn quỹ 20 tỷ USD dành riêng cho ngành chíp, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công ty sản xuất lớn.

Trung Quốc còn đưa ra ý tưởng về “tuần hoàn kép”, theo đó đề cập đến sự phát triển lâu dài của Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào hội nhập toàn cầu và thay vào đó được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2020), chiến lược “tuần hoàn kép” được khẳng định là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, là một trong những nguyên tắc cơ bản trong Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 và Mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2035 của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, trước đại dịch COVID-19, các công ty Ấn Độ đã tập trung vào các chuỗi cung ứng tinh gọn và kết nối với nhau nhằm tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến hầu hết các công ty bị gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Một trong những định hướng ứng phó với khó khăn trên là Ấn Độ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 1.350 tỷ USD trong 5 năm tới (tài khóa 2019-2020 đến tài khóa 2024-2025). Trong số này, khoảng 575 tỷ USD được dành cho cơ sở hạ tầng giao thông.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Hiện nay, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị. Theo WEF, đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững, đảm bảo sự phục hồi lâu dài sau đại dịch. Do đó, nhiều chính phủ cũng đang tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ quyền tiếp cận các hàng hóa quan trọng vì an ninh quốc gia và thúc đẩy chuyển đổi số. Hoa Kỳ đang hoàn thiện dự luật chíp "Chips for America" trị giá 52 tỷ USD nhằm mục đích đưa ngành sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ (đang chiếm thị phần 12%) phục hồi về mức khoảng 40% như hồi 1990. Trong khi đó, Trung Quốc đã xác định kinh tế kỹ thuật số là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới và đặt mục tiêu đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Trung Quốc đã đưa phát triển kinh tế số vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) để xây dựng một Trung Quốc kỹ thuật số.

Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên sự điều chỉnh, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ tác động đáng kể đến thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Gián đoạn nguồn cung làm cho việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó kéo theo việc đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI); Giá hàng hóa xuất khẩu tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Để kích thích nền kinh tế và giải quyết các nút thắt về chuỗi cung ứng, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm:

(i) Triển khai các gói thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, kết hợp với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và an sinh - xã hội;

(ii) Thực hiện các biện pháp trước mắt và dài hạn nhằm tái cơ cấu sản xuất, tái định hình các chuỗi cung ứng như đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hợp lý hóa các công đoạn sản xuất; đồng thời, đa dạng hóa mạng lưới đối tác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do;

(iii) Khuyến khích sự chủ động thích ứng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước trong việc ứng phó với sự điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sự gián đoạn nguồn cung hiện nay bắt nguồn từ dịch bệnh COVID-19, do đó cần tập trung để kiểm soát được dịch bệnh và tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-12 tuổi để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng. Đảm bảo nguồn cung lao động và giúp đào tạo người lao động các kỹ năng mới cần thiết; tập trung vào đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho nền kinh tế ít bị tổn thương trước các cú sốc của kinh tế - tài chính thế giới, có khả năng ứng phó với những biến động quốc tế.

Thứ hai, gián đoạn nguồn cung, giá năng lượng leo thang cùng với tác động của các gói kích thích tài khóa - tiền tệ trước đó đang gia tăng áp lực lên lạm phát đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần chủ động theo dõi, cập nhật sát diễn biến cung cầu thị trường quốc tế và trong nước để kịp thời đưa ra những phản ứng chính sách tài khóa - tiền tệ hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường; tăng cường đa dạng hóa nguồn cung ứng nhiên liệu nhập khẩu.

Thứ ba, theo đánh giá của IMF, GDP của Việt Nam tăng nhưng năng suất lao động chưa đóng góp nhiều, vì vậy cần tăng năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, đầu tư nguồn nhân lực để tham gia vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực thuế và hải quan để giảm rủi ro chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và thương mại điện tử, qua đó góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Thứ tư, từng bước đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, một nền kinh tế duy nhất. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế toàn cầu, cần tăng cường khả năng tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các quy tắc xuất xứ hài hòa, biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư để gia tăng xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực.

Thứ năm, trong dài hạn, để thu hút thêm nhiều đối tác tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam, cần có một chiến lược cụ thể về nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển lớn và hiện đại hơn, phát triển logistics, đường xá, đào tạo nghề, công nghiệp phụ trợ.

Thứ sáu, trong bối cảnh căng thẳng chính trị, căng thẳng thương mại, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, cần phải chú trọng đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước các cú sốc của kinh tế quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho nước ta phát triển ổn định, bền vững và có đầy đủ tiềm lực để hạn chế một cách tối đa những tổn thất do các cú sốc kinh tế - chính trị thế giới gây ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Andras Komaromi, Diego A. Cerdeiro, Yang Liu (2022), IMF, “Supply Chains and Port Congestion Around the World”;
  2. World Bank (2022), “Global Economic Prospects”, tháng 01/2022;
  3. IMF (2022), “World economic outlook update”, tháng 4/2022;
  4. IMF (1/2022), World Economic Outlook Update, Rising Caseloads, A Disrupted Recovery, and Higher Inflation;
  5. Richard Howells (2022), “Global Supply Chains: Four Trends That Will Shape the Future”, tháng 01/2022;
  6. Rabobank (2/2022), How We Would Pay for the War - The macro impact of Ukraine war/sanctions.

 

* TS. Nguyễn Thị Hải Thu, ThS. Nguyễn Thị Phương Thúy - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022.