Nguy cơ lớn đối với kinh tế Argentina

Theo Minh Đức/reatimes.vn

Các chuyên gia dự đoán trong năm 2019 tăng trưởng kinh tế Argentina sẽ tiếp tục duy trì ở mức âm do việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của IMF và những chính sách nhằm giảm sự mất cân đối trong nền kinh tế sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Dự báo kinh tế Argentina vẫn khá ảm đạm trong năm 2019. Nguồn: internet
Dự báo kinh tế Argentina vẫn khá ảm đạm trong năm 2019. Nguồn: internet

 

Nền kinh tế Argentina đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh nhất kể từ khi Tổng thống Mauricio Macri lên nắm quyền cuối năm 2015: thị trường tài chính tiền tệ liên tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát gia tăng và nguồn vốn đầu tư suy giảm bất chấp những nỗ lực nhằm ổn định tình hình của chính phủ. Điều gì khiến cho lòng tin của các thị trường đối với Argentina thay đổi một cách chóng mặt và một tương lai hứa hẹn bỗng biến thành một sự rối loạn?

Chính phủ Argentina từng hy vọng giai đoạn hồi phục kinh tế bắt đầu từ năm 2017 sẽ được củng cố trong năm 2018 với những chính sách mở cửa của Tổng thống Macri sau hơn một thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina tăng 2,8% và xu hướng này tiếp tục trong quý I/2018 với mức tăng 3,6%.

Tuy nhiên, trên thực tế những kết quả đã không đạt được như vậy. Kể từ khi bước vào đầu quý II/2018, tăng trưởng kinh tế Argentina đã bắt đầu suy giảm đi kèm với nhiều bất ổn vĩ mô gia tăng. Điều này một phần bắt nguồn từ những chính sách điều hành thiếu hợp lý của chính phủ và phần khác đến từ những biến động trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới, đặc biệt là xu hướng tăng của đồng USD.

Theo đánh giá của tạp chí Forbes, nợ công và xu hướng thoái vốn khỏi thị trường của các tập đoàn lớn là hai trong nhiều rủi ro mà nền kinh tế Argentina đang phải đối mặt.

Trên thực tế, số liệu từ Cơ quan liên bang Quản lý thu nhập công Argentina – AFIP cho thấy, đã có tới 3.198 công ty phải đóng cửa tại Argentina. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Coca Cola, Carrefour và Avianca đã phải yêu cầu nhà nước Argentina cho tiến hành quy trình “phòng chống khủng hoảng”, một biện pháp pháp lý mà các công ty sử dụng để thông báo cho Bộ Lao động và Sản xuất Argentina về khả năng ít nhất là họ sẽ phải thu nhỏ quy mô hoạt động, trong đó sẽ có việc sa thải người lao động.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Argentina cũng phải đối mặt với những rủi ro về mức nợ công, từ năm 2017 đến quý II/2018, nợ công của nước này đã tăng 20 điểm phần trăm, lên 77,4% GDP.

Những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Argentina ảnh hưởng lớn nhất tới lĩnh vực sản xuất trong nước, do tiêu thụ nội địa giảm mạnh, chính sách nhập khẩu mở cửa quá mức trong bối cảnh các nước ngày càng ưu tiên các biện pháp bảo hộ. Một yếu tố khác tác động tới sản xuất là việc chính phủ loại bỏ các khoản hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng khiến cho các loại chi phí tăng cao, đặc biệt là sau thời gian đồng peso nội tệ mất giá mạnh.

Kết quả là kinh tế của Argentina suy giảm 2,6% trong năm 2018, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Sự suy giảm tăng trưởng diễn ra toàn diện trong mọi khu vực của nền kinh tế với lĩnh vực công nghiệp suy giảm 10%, xây dựng suy giảm 20% và bán lẻ cũng giảm tới 15%. Do đó, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô mà còn có sự hủy diệt đối với sản xuất trong nước, dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng mức kỷ lục lên 47%.

 Một áp lực nữa đối với nền kinh tế Argentina đến từ sự mất giá của đồng nội tệ. Trong năm 2018, đồng tiền này đã mất giá lên tới hơn 40% giá trị so với đồng USD và xu hướng này tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm 2019.

Trước sự lao dốc của đồng nội tệ và lạm phát gia tăng, trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Argentina đã 5 lần phải tăng lãi suất điều hành và 4 lần điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc.

Bên cạnh đó, để ổn định thị trường, tháng 6/2018, IMF đã phê chuẩn khoản tài chính 50 tỷ USD cho Argentina với điều kiện chính phủ nước này phải thực hiện những cải cách kinh tế và thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” để giảm thâm hụt ngân sách. Theo đó, IMF sẽ ngay lập tức giải ngân 15 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế Argentina đối phó với các thách thức hiện tại như tỷ lệ lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn và đồng nội tệ mất giá. 35 tỷ USD còn lại được sử dụng làm nguồn tài chính dự phòng. Các khoản giải ngân tiếp theo sẽ phụ thuộc vào các báo cáo đánh giá tình hình sử dụng vốn vay của Argentina theo từng quý.

Mặc dù sự giải cứu từ IMF đã giúp Argentina phần nào đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, song việc phải phụ thuộc vào những khoản vay của IMF cũng đã làm dấy lên những lo ngại về việc liệu Argentina có bị rơi vào cuộc khủng hoảng vỡ nợ như đã từng trải qua hồi cuối năm 2001 hay không.

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế cũng khiến người dân Argentina cảm thấy ngày càng mất lòng tin vào các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay của chính quyền Tổng thống M. Macri. Theo kết quả khảo sát của Công ty tư vấn Raul Aragon, có khoảng 58,7% số người dân được hỏi cho biết họ không tin rằng chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát, trong khi 73,6% cảnh báo rằng những chính sách của ông M. Macri đang gây ra cho người dân rất nhiều sự bất an. Thậm chí, người dân Argentina còn biểu tình, đình công nhằm phản đối những chính sách kinh tế mà chính phủ Argentina đang thực hiện.

Các chuyên gia dự đoán trong năm 2019 tăng trưởng kinh tế Argentina sẽ tiếp tục duy trì ở mức âm do việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của IMF và những chính sách nhằm giảm sự mất cân đối trong nền kinh tế sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu dùng trong nước.