Nguy cơ nghèo đói do ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Theo nhandan.vn

Đại dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng đang có nguy cơ gây ra nạn đói ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa cảnh báo nạn đói gia tăng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe. Trong khi đó, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tình hình kinh tế - xã hội của Afghanistan trong 13 tháng tới là “đáng báo động”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dịch bệnh, chiến tranh đang làm trầm trọng hơn các “điểm nóng” về nạn đói của thế giới. Cuối tuần qua, FAO ước tính có khoảng 60 triệu người ở Mỹ Latin và Caribe đang sống trong cảnh thiếu ăn, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó,  hiện nay cứ 10 người ở khu vực này thì có 1 người thiếu ăn. Cùng với thiếu đói, vấn đề suy dinh dưỡng cũng đáng báo động. Theo FAO, Haiti có mức độ suy dinh dưỡng cao nhất trong khu vực với tỷ lệ 46%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Venezuela là 27,4%, tăng mạnh so với mức 22,2% ghi nhận trong giai đoạn 2016-2018. Tỷ lệ người đói ở Argentina là 3,9% và con số tương ứng ở Bolivia là 12,6%...

Trong khi đó, Afghanistan cũng đang trở thành điểm nóng về đói kém, không chỉ do dịch bệnh, mà còn vì bất ổn an ninh, chính trị tại nước này. Sau khi lực lượng Taliban nắm quyền lãnh đạo đất nước từ giữa tháng 8, quốc gia này đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Tình trạng thiếu đói gia tăng khi các khoản viện trợ phát triển bị sụt giảm mạnh, đại dịch COVID-19 bùng phát cộng thêm hạn hán, khiến nền kinh tế khó khăn nghiêm trọng. Theo dự báo của UNDP, đến giữa năm 2022, hơn 90% dân số Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói. Khoảng 22,8 triệu người tại quốc gia này đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Để giảm bớt tình trạng kinh tế khó khăn và thiếu đói gay gắt cho Afghanistan, UNDP vừa kêu gọi hỗ trợ 100 triệu USD để tạo thêm việc làm và 90 triệu USD để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tại Afghanistan. UNDP khẳng định, đây là biện pháp tốt nhất giúp giải quyết tình trạng nghèo đói tại quốc gia Nam Á này.

Ngoài những quốc gia nêu trên, nạn đói cũng đang đe dọa nghiêm trọng các nước thuộc “thế giới Arab”. Trong một báo cáo vừa công bố, FAO cho biết, 420 triệu dân ở “thế giới Arab” không có đủ thực phẩm để ăn và 69 triệu người bị suy dinh dưỡng trong năm 2020.

Theo FAO, số người thiếu ăn trong “thế giới Arab” đã tăng 91,1% trong hai thập kỷ qua. Somalia và Yemen, hai quốc gia đang bị ảnh hưởng của các cuộc xung đột, vẫn là những nước có nạn đói nghiêm trọng nhất với gần 60% dân số Somalia thiếu ăn và hơn 45% dân số Yemen suy dinh dưỡng.

Vấn đề lớn đặt ra với việc giải quyết nạn đói tại các quốc gia là kinh tế tăng trưởng thấp vì bất ổn, dịch bệnh, trong khi đó tỷ lệ “phủ sóng” vaccine ngừa COVID-19 trên tổng số dân ở mức thấp đáng báo động. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ thấp hơn dự kiến và chỉ đạt mức 2,8% trong năm 2022 và 2,6% trong năm 2023. Đây là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do đại dịch COVID-19 và đại dịch đã khiến số việc làm bị sụt giảm đáng kể.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho rằng, giải pháp bền vững để giải quyết nạn đói tại các quốc gia là bảo đảm ổn định chính trị, tái thiết nền kinh tế, tăng cường đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, cũng như đổi mới hệ thống năng lượng…

Tuy nhiên, trước mắt để giúp các quốc gia này vượt qua khủng hoảng kép về dịch bệnh và đói kém, thì “việc cần làm ngay” là cộng đồng quốc tế tăng cường trợ giúp tài chính, lương thực và vaccine ngừa COVID-19.

Nếu hàng trăm triệu người ở các quốc gia nghèo thuộc “thế giới Arab”, khu vực Mỹ Latin và Caribe bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, rất có thể sau Omicron, thế giới còn phải đối mặt những biến thể mới “nhanh hơn, nguy hiểm hơn” của vius SARS-CoV-2.