Nguyên nhân vốn đầu tư Trung Quốc vào Thung lũng Silicon giảm mạnh


Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ngày một xấu đi, dòng vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vào Thung lũng Silicon đã nhanh chóng suy giảm.

Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã hạn chế vốn vào Thung lũng Silicon, Mỹ.
Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã hạn chế vốn vào Thung lũng Silicon, Mỹ.

Cuối những năm 2010 là thời điểm bùng nổ của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Mỹ. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh được thắt chặt, và doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ của hai nước không ngừng tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường của nhau.

Các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Ở chiều ngược lại, các công ty Mỹ đã đi tham quan các thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Rhodium Group, một công ty nghiên cứu kinh tế, tổng cộng, số tiền mà các quỹ đầu tư mạo hiểm do Trung Quốc kiểm soát đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã đạt đỉnh vào năm 2018, với tổng trị giá 4,59 tỷ USD.

Nhưng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuống dốc một cách khá đột ngột vào những năm sau đó. Chính phủ Mỹ vô cùng nghi ngờ về bất kỳ công nghệ nào có liên quan đến Trung Quốc, đồng thời thắt chặt các biện pháp kiểm soát, khiến các công ty Mỹ lo lắng về việc nhận đầu tư của Trung Quốc.

Đạo luật đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào tháng 11 năm 2018 cũng đưa ra những hạn chế mới đối với đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ. Vào tháng 5/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies vào danh sách đen thương mại của mình, ngăn cản các công ty Mỹ thực hiện hầu hết mọi hoạt động kinh doanh với tập đoàn này.

Tốc độ của sự thay đổi trong các mối quan hệ khiến nhiều người ngạc nhiên. “Mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi nhanh chóng, khiến nhiều nhà đầu tư và doanh nhân mất cảnh giác”, ông Frank Liu, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Thung lũng Silicon-Trung Quốc, một vườn ươm khởi nghiệp cho biết.

Vào tháng 2/2020, nhiều quy định mới của Mỹ được bổ sung, yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư vào dữ liệu cá nhân nhạy cảm, một số tài sản bất động sản, “công nghệ quan trọng” và “cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Và sau khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, dữ liệu của Rhodium Group cho thấy khoản đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống còn 2,27 tỷ USD vào năm 2019, chỉ bằng hơn một nửa so với tổng số của năm trước.

Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư và áp các biện pháp thuế quan mới.

Tháng 10/2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các quy định mới cấm các công ty của nước này xuất khẩu công nghệ được sử dụng để sản xuất chip hoặc siêu máy tính tiên tiến. Nhà Trắng cũng sắp đạt được thỏa thuận hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ Trung Quốc và cấm một số giao dịch trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả vi mạch.

Dưới áp lực ở Trung Quốc và Mỹ, một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ gọi xe DiDi, đã hủy niêm yết khỏi thị trường Mỹ. 

Nhận định về động thái này, ông Andy Mok, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn muốn làm việc với các đối tác Mỹ, nhưng sự thù địch từ phía Mỹ đang tạo ra rào cản.

Thậm chí chuyên gia này cũng cho rằng, căng thẳng từ hai nước đang làm cản trở sự hợp tác trong việc nghiên cứu các mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Trước khi mối quan hệ Trung-Mỹ bắt đầu rạn nứt, các học giả người Mỹ gốc Hoa đã là cầu nối giữa hai nước và là những người tham gia thường xuyên vào các chương trình trao đổi và các vườn ươm khởi nghiệp. Nhưng vì nhiều học giả đã bị FBI điều tra, nên giờ đây họ quá sợ hãi khi có quan hệ với các nhà đầu tư Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn