Nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Theo Kim Ngân/mattranbinhphuoc.org.vn

Các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc bảo tồn các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng cho sự sống, là cái nôi của đa dạng sinh học cung cấp nước và môi trường sống cho sinh vật. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc bảo tồn các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Hiện Việt Nam có 09 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế: Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định; vùng ngập nước Bầu Sâu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kanj; Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp; Vườn quốc gia mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

Các vùng đất ngập nước này được phân bố ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các hệ sinh thái đầm phá, bãi bùn, vùng cửa sông và vùng ngập mặn dọc theo bờ biển. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập đang gặp phải, ngày 29-7-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái  của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nướckhuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên cả nước...

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước  đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi các vùng đất ngập nước suy thoái. Các cơ quan có liên quan cần thực hiện tốt việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước  và hạn chế đến mức thấp nhất việc tháo nước, gây mất nước tại các vùng ngập nước để góp phần chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu; lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước , nhằm ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương một cách hiệu quả và bền vững...

Nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm:

Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước;

Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước;

Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Khuyến khích bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư đầu tư, tham gia vào các hoạt động sau:

1. Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và loài chim di cư tại vùng đất ngập nước.

2. Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng, các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì và phòng ngừa sự biến đổi các đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước.

3. Giám sát các hoạt động trên vùng đất ngập nước quan trọng; phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.

4. Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, các hoạt động du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng nêu rõ điều kiện thành lập khu bảo tồn đất ngập nước. Khu bảo tồn đất ngập nước được phân cấp thành cấp quốc gia, cấp tỉnh và phân hạng thành vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước quốc gia khi là vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp quốc gia theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Vùng đất ngập nước được xem xét thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh khi thuộc Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng được công bố; đáp ứng các tiêu chí của khu bảo tồn cấp tỉnh theo quy định của Luật đa dạng sinh học.

Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng như ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; đầu tư xây dựng phát triển vùng đệm phục vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trong khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; các mô hình sinh kế bền vững tại vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước và mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; các hạng mục đầu tư khác liên quan đến quản lý và bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

Nhà nước ưu đãi đầu tư cho các hoạt động phục hồi các sinh cảnh, môi trường sống của các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phục hồi đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các loài chim di cư, chim nước thuộc các vùng đất ngập nước quan trọng; chuyển đổi các sinh kế bền vững về môi trường và hài hòa với thiên nhiên, đa dạng sinh học.