Nhà băng đổ vốn vào liên kết sản xuất điện
Chủ trương cho vay 70% tổng vốn đầu tư và bảo hiểm 75% sản lượng điện sản xuất trong 5 năm đang là cách mà một số TCTD khuyến khích để đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.
Nhộn nhịp rót vốn vào các dự án
Từ đầu năm 2018, BIDV đã phối hợp với CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đưa ra gói giải pháp điện mặt trời BigK với nhiều ưu đãi cho khách hàng đăng ký sử dụng. Theo đó, BIDV sẽ hỗ trợ cho các hộ gia đình (trong liên kết của SolarBK) vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm để đầu tư hệ thống sản xuất điện mặt trời công suất từ 2 - 10 kWp.
Ông Mai Văn Trung - Giám đốc phát triển dự án của SolarBK cho rằng, hiện nay các mô hình sản xuất điện mặt trời của DN liên kết với BIDV đang thực hiện khá tốt tại khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài việc cung ứng các khoản vay, hiện Công ty bảo hiểm BIC của BIDV cũng đã hợp tác với SolarBK thực hiện gói bảo hiểm để bảo hiểm sản lượng điện sản sinh đạt mức tối thiểu bằng 75% công suất lắp đặt của mỗi hệ thống. Sau gần một năm thực hiện các mô hình sản xuất điện mặt trời áp mái, hiện nay tổng công suất điện mà SolarBK và các hộ dân sản xuất được đã đạt mức gần 180 kWp.
“Các hộ dân được SolarBK đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể mua lại điện từ chính hệ thống này với mức giá thấp hơn mức giá của EVN 2-3%. Sau 15-20 năm, SolarBK sẽ bàn giao hệ thống, phần điện dư người dân có thể bán lại cho lưới điện với giá theo quy định của nhà nước”, ông Trung cho biết.
Không chỉ có BIDV, hiện nay hàng loạt các NHTM khác cũng đang khá tích cực dồn vốn vào các dự án sản xuất điện mặt trời.
Tại HDBank ngoài việc tài trợ vốn cho các dự án điện mặt trời lớn như: Dự án Sao Mai PV1 (của Tập đoàn Sao Mai); dự án Fujiwara Bình Định… hiện đơn vị cũng đang triển khai tài trợ nhu cầu đầu tư dự án điện mặt trời áp mái. Theo đó, các DN có nhu cầu đầu tư xây lắp các dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được hưởng ưu đãi với tỷ lệ vay 70%, hạn mức tín dụng 10 tỷ đồng và có thể thế chấp bằng hệ thống điện mặt trời hình thành trong tương lai khi làm hợp đồng vay.
Đại diện HDBank cho biết, chương trình tài trợ các dự án điện mặt trời sẽ được đơn vị dành ra khoảng 7.000 tỷ đồng để cho vay trong giai đoạn từ nay đến 2020, ưu điên các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt và các dự án có khả năng đấu nối trước quý II/2019.
Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank, OCB… tình hình cũng diễn ra tương tự. Cuối năm 2018 VietinBank ký kết hợp tác đầu tư 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh của Tập đoàn Thành Thành Công. Vietcombank sau khi thành công với dự án điện mặt trời Srêpok 1 tại Đắk Lắk của Công ty Đại Hải đã rót thêm gần 800 tỷ đồng vào dự án BP Solar 1 tại Ninh Thuận. Phía OCB thậm chí mới đây còn trực tiếp hợp tác chiến lược với TTC Energy (công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công) để cam kết thu xếp tài trợ bổ sung vốn lưu động và tài trợ đầu tư 70% giá trị hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê với tài sản bảo đảm là hệ thống năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay.
Tiềm năng xã hội hóa sản xuất điện
Theo nhận định của các chuyên gia đầu tư tài chính, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời đã thu hút khá nhiều DN cả trong và ngoài nước.
Thống kê của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) hiện đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 20.000 MW. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh các DN lớn, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời hiện nay đang thu hút đông đảo các DN nhỏ và hộ dân đầu tư như một hình thức kinh doanh vừa hiệu quả vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc giảm tải nguy cơ thiếu điện.
Theo phân tích của ông Nguyễn Vũ Nguyên - đại diện phân phối của gói giải pháp điện mặt trời BigK, hiện nay giá điện mặt trời BigK khoảng 23.000 VND/Wp (đã bao gồm VAT). Nếu tính theo chu kỳ tăng giá điện của EVN và lạm phát trung bình hàng năm thì đầu tư BigK các công ty và người dân có thể sẽ hoàn vốn trong 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của hệ thống lên tới 25-30 năm, như vậy các hộ gia đình có thể sinh lời tiền điện trong khoảng 20 năm còn lại sau hoàn vốn.
Đại diện Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Ngọc Tường Vi cho rằng, hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 900 khách hàng lắp đặt, sử dụng điện mặt trời với tổng công suất khoảng 10MW. Trong vòng khoảng 1 năm (2017-2018) số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng khoảng 2,7 lần. Đến nay đã có gần 300 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện.
Ở góc độ kinh doanh, chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Dũng cho rằng với việc Chính phủ mới đây thay đổi hình thức mua bán điện mặt trời từ cơ chế bù trừ sang cơ chế đo công-tơ (đồng hồ điện) hai chiều sẽ kích thích được người dân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện mặt trời. Việc các NHTM, các DN công nghệ và các công ty bảo hiểm hợp tác đầu tư cùng với người dân sẽ khiến mô hình xã hội hóa sản xuất điện phát triển mạnh và lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay 10%/năm của các NHTM thì vẫn còn khá cao. Vì thế bản thân ngành điện cần có thêm những giải pháp hỗ trợ tài chính cho các mô hình sản xuất điện mặt trời như một phần giải pháp giảm tải áp lực thiếu điện hiện nay.