Nhà băng hạ phí để cạnh tranh
Đến thời điểm hiện tại đã có hàng chục ngân hàng thương mại (NHTM) trong hệ thống áp dụng hình thức miễn, giảm các loại phí dịch vụ như rút hoặc chuyển tiền.
Lan tỏa làn sóng chuyển động mới
Sau thành công của Techcombank với việc miễn phí chuyển khoản cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I- bank và F@st mobile, những tuần gần đây, nhiều NHTM đã chính thức bước vào cuộc cạnh tranh miễn giảm các loại phí dịch vụ. Theo đó, lần lượt các ngân hàng: SeABank, VIB, Nam A Bank, LienVietPostBank, VietinBank, TPBank… đã tham gia vào hoạt động hạ phí dịch vụ giống như hưởng ứng một làn sóng chuyển động mới và được kỳ vọng mở rộng.
Phía SeABank cho biết, đơn vị này sẽ áp dụng miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ SeANet, SeAMobile. Đơn vị cũng thực hiện miễn phí mở và sử dụng dịch vụ SeANet, SeAMobile cho toàn bộ khách hàng của mình. Trong khi đó, từ ngày 8/4, VIB cũng áp dụng miễn phí chuyển tiền online và phí rút tiền tại 17.000 ATM trên toàn quốc.
Theo SeABank việc miễn phí này sẽ áp dụng cho các tài khoản thanh toán VIB hiện hữu có thời gian hoạt động chưa đủ 6 tháng. Đối với các khách hàng hiện hữu đã mở tài khoản trên 6 tháng, VIB sẽ tiếp tục miễn hai loại phí trên và miễn thêm phí rút tiền tại quầy nếu số dư tài khoản thanh toán bình quân trong 6 tháng gần nhất đạt từ 5 triệu đồng trở lên.
Với gói tài khoản “V-Biz - đa lợi ích”, từ ngày 10/4 VietinBank cũng đã thực hiện miễn toàn bộ phí quản lý tài khoản nếu số dư bình quân từ 10 triệu đồng trở lên. Ngân hàng này cũng miễn phí chuyển khoản (trong và ngoài hệ thống) qua VietinBank iPay Mobile, miễn phí duy trì dịch vụ đối với VietinBank iPay và SMS Banking, miễn phí phát hành và quản lý thẻ ghi nợ trong 6 tháng và miễn phí thường niên đối với thẻ tín dụng quốc tế trong năm đầu.
Tại các ngân hàng khác cuộc cạnh tranh hạ phí dịch vụ cũng không kém cạnh. Đại diện Nam A Bank và LienVietPostBank cho biết, các đơn vị đang đồng loạt triển khai nhiều ưu đãi lớn. Theo đó, khách hàng là DN sẽ được miễn phí toàn bộ đối với giao dịch chi lương. Tất cả các khách hàng sẽ được miễn phí quản lý tài khoản, phí duy trì số dư tối thiểu đồng thời miễn phí đăng ký sử dụng các gói combo, sử dụng các dịch vụ thu hộ qua eBanking hoặc chuyển tiền nhanh liên ngân hàng…
Trong khi đó TPBank với ưu thế công nghệ thanh toán đã áp dụng miễn phí hơn 60 loại phí dịch vụ, gồm rất nhiều dòng sản phẩm như Ebank, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế TPBank Visa, thẻ tín dụng quốc tế TPBank, các dịch vụ về tài khoản, dịch vụ chuyển tiền và gửi tiết kiệm...
Lợi khí CASA được tận dụng triệt để
Nhìn vào hoạt động miễn phí dịch vụ của hàng loạt NHTM như trình bày ở trên có thể thấy dường như đang có một làn sóng chuyển động ngược khác hẳn với xu hướng tăng phí dịch vụ đã diễn ra trong nhiều tháng của năm 2018. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ có thể thấy xu hướng miễn giảm các loại phí dịch vụ sẽ còn tiếp tục được các nhà băng thực hiện bởi lợi ích mà nó đem lại vẫn đang được cho là khá tích cực.
Phân tích trường hợp của Techcombank sẽ thấy điều này khi mà chỉ sau 2 năm triển khai chương trình “0 đồng E-banking”, thu nhập từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt của nhà băng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Cụ thể, đến thời điểm cuối 2018 khoản lãi thu được từ các dịch vụ này của Techcombank đã đạt con số gần 1.250 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2017 và đóng góp tới 35,2% tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, việc các NHTM thực hiện miễn giảm phí dịch vụ trong thời gian qua thực tế là “lùi một bước để tiến hai bước”. Bởi trong bối cảnh hiện nay hầu hết các NHTM vẫn đang phải theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu, cung cấp đa năng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Với mục tiêu đó việc tăng phí hoặc lạm thu phí dịch vụ sẽ dễ khiến khách hàng rời bỏ, dẫn đến lợi bất cập hại.
Thực tế, trường hợp của Techcombank cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 bằng việc miễn phí dịch vụ, Techcombank đã tăng được 87% khách hàng mới so với cùng kỳ năm trước. Và dù không thu được các loại phí giao dịch nhưng với lượng khách mới dồi dào thì ngân hàng này vẫn thu được lợi lớn vì tạo ra cơ sở để đẩy mạnh các hình thức bán chéo sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, cái lợi bền vững hơn khi lượng khách hàng mới gia tăng nhanh chóng là ngân hàng tận dụng được lượng tiền lớn chu chuyển trong hệ thống dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, tận dụng tỷ lệ CASA là “từ khóa” quan trọng trong cuộc đua miễn giảm phí dịch vụ. Bởi loại tiền gửi thanh toán này luôn có lãi suất thấp hơn 1%/năm. Việc gia tăng nguồn tiền này sẽ giúp các NHTM tăng nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ cho các sản phẩm tài chính dịch vụ, nhất là trong bối cảnh CASA từ các tổ chức, tập đoàn kinh tế nhà nước gửi vào nhà băng không còn dồi dào như giai đoạn trước.
Quan sát cho thấy, đến giai đoạn hiện nay cấu phần tạo nên chi phí chính đối với nhiều NHTM tại Việt Nam đã bắt có dấu hiệu khó thực hiện tiết giảm. Bởi trong các năm gần đây với mục tiêu hạ lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, hàng loạt các NHTM đã “thắt lưng buộc bụng” tiết giảm các chi phí hoạt động (TOE). Đến hiện tại TOE ở một số ngân hàng như: Vietcombank, VPBank, Techcombank… đã ở mức 32-34% và rất khó để tiếp tục giảm nữa.
Chính vì thế, để tiếp tục cạnh tranh phát triển các sản phẩm dịch vụ, các NHTM sẽ phải tập trung hơn vào việc giảm chi phí huy động vốn. Trong đó, giải pháp miễn phí giao dịch để thu hút khách hàng nhằm tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ là giải pháp hiệu quả mà nhiều NHTM sẽ lựa chọn thực hiện, tạo ra cuộc cạnh tranh mới trong toàn hệ thống.