Nhà đầu tư ngoại ngóng hướng dẫn PPP mới
(Tài chính) Một danh mục dự án không quá dài và các nguyên tắc đấu thầu không áp đặt được xem là chìa khóa thúc đẩy các dự án thí điểm thành công, tạo đà thu hút giới đầu tư tham gia các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Thống nhất quy trình
Có mặt trong buổi lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách Văn phòng Hà Nội và Khối cơ sở hạ tầng của KPMG Việt Nam không bỏ sót một ý kiến nào.
Là chuyên gia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hơn thế lại đang tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài về hình thức đầu tư này, bà Hà hiểu rõ tầm quan trọng của những thay đổi trong cơ chế chính sách liên quan đến PPP, hình thức được cho là hấp dẫn song lại chưa thu hút được dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hà cho rằng, việc thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức PPP thường gặp nhiều khó khăn. “Vấn đề chính mà Việt Nam gặp phải là sự thiếu tin tưởng của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Họ sẽ thận trọng cho đến khi nhìn thấy những dự án thành công dựa trên cơ sở pháp lý được áp dụng minh bạch, rõ ràng”, bà Hà nói.
Đây không phải lần đầu, sự không rõ ràng của cơ chế chính sách liên quan đến PPP được nhắc tới. Trên thực tế, ngoài Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định 3 hình thức đầu tư là xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - khai thác (BTO) và xây dựng - chuyển giao (BT), Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, thì nhiều hình thức đầu tư tương tự khác, như BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), FOT (thu xếp vốn - kinh doanh - chuyển giao) hay O&M (kinh doanh - quản lý)… mặc dù đã xuất hiện, nhưng chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể.
Ngay trong đợt lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, câu hỏi về việc Dự thảo này có áp dụng cho hình thức hợp đồng khác hay không vẫn được đặt ra.
Đây là lý do mà ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhiều lần phải ví von rằng, nếu PPP là môn toán, thì BOT là đại số, BT là hình học… “Điều đáng tiếc là phải mất mấy năm, chúng ta mới nhận thức được điều này. Nếu nhận ra sớm, thì đã không phải ra Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, mà tập trung sửa đổi và nâng cấp Nghị định 108/2009/NĐ-CP”, ông Tăng chia sẻ và đặt kỳ vọng vào sự hoàn thiện của Dự thảo Nghị định đang được hoàn tất.
Về vấn đề này, bà Hà cho rằng, khung pháp lý hướng dẫn rõ ràng cho các chủ đầu tư về những yêu cầu, mong đợi và các nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong đấu thầu PPP mà không mang tính quá áp đặt, cứng nhắc là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Việc thúc đẩy sự thống nhất về khuôn khổ pháp lý nhằm áp dụng các thông lệ tiên tiến là cơ sở quan trọng giúp mô hình PPP trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân”, bà Hà bày tỏ rõ quan điểm khi xem xét các quy trình lựa chọn nhà đầu tư lần đầu tiên được quy định rõ cho các loại dự án do nhà nước đề xuất, dự án quy mô nhỏ, dự án do nhà đầu tư đề xuất.
Chọn đúng danh mục
Về nguyên tắc, ông Julian Vella, Phụ trách khối cơ sở hạ tầng toàn cầu của KPMG ở châu Á - Thái Bình Dương phân tích, nhà đầu tư tư nhân thường tìm đến các dự án có kết cấu hoàn chỉnh, việc mua sắm được dựa trên một quy trình minh bạch và công khai, các điều khoản trong hợp đồng thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của họ trong giai đoạn được ưu đãi. Điều này đòi hỏi khu vực nhà nước cần có chuyên muôn để đảm bảo được các yêu cầu này.
Tuy nhiên, trên thực tế, đợt rà soát tình hình thực hiện hình thức đầu tư PPP vào năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy, không nhiều danh mục dự án kêu gọi các hình thức công - tư kết hợp như BOT, BT… đảm bảo các điều kiện mà nhà đầu tư cần. “Việc không công bố danh mục dự án đã giảm tính minh bạch, cạnh tranh và hạn chế cơ hội lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất”, ông Lê Văn Tăng thừa nhận.
Đây là lý do ông Julian Vella khuyến nghị, các dự án PPP thử nghiệm cần được ưu tiên đầu tư đúng trọng tâm để sớm hình thành danh sách dự án thành công trong lĩnh vực này. “Theo quan điểm của tôi, việc thành lập một cơ quan quản lý PPP tập trung với nguồn lực hợp lý là một yêu cầu quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu của một chương trình PPP. Cơ quan này có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng thứ tự ưu tiên cho các dự án, thiết lập cách tiếp cận phù hợp để phát triển và xây dựng cơ cấu cho các dự án, tham gia cùng khu vực tư nhân và lựa chọn hình thức đầu tư theo PPP”, ông Julian nói.
Đặc biệt, theo ông Julian, cơ quan này cần hợp tác với các bộ, ngành có liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đat được mục tiêu này và chuyển giao kiến thức, chuyên môn trong lĩnh vực này trong khu vực công.
Liên quan đến danh mục dự án ưu tiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, không nên xây dựng danh sách dự án ưu tiên quá dài, vì như vậy gây khó khăn trong quá trình quản lý và các nhà đầu tư có thể thất vọng nếu một số dự án trong danh sách sau đó bị hủy bỏ.