Nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường nợ xấu: Cẩn trọng “bẫy giá rẻ”
(Tài chính) Câu chuyện xử lý nợ xấu với sự tham gia của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có thể còn kéo dài và chưa thể trông chờ vào nhóm đối tượng này khi vẫn còn đó những rào cản. Chia sẻ của ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc công ty mua bán nợ Việt Nam- Bộ Tài chính (DATC) xung quanh nội dung này.
Phó Tổng giám đốc công ty mua bán nợ Việt Nam
Ông Phạm Mạnh Thường: Theo tôi, thị trường Việt Nam có thể coi là gần như chưa được khai thác và có tiềm năng rất lớn. Lý do là trong giai đoạn vừa qua cũng đã có khá nhiều NĐT chuyên nghiệp của nước ngoài dưới dạng các quỹ, ngân hàng đặt chân vào tìm hiểu xem có thể khai thác như thế nào. Về phía trong nước, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tôi cho rằng các tổ chức tín dụng (TCTD) có nợ xấu nói riêng và Nhà nước nói chung cũng cần họ để tăng tốc độ xư lý nự xấu, đồng thời châm ngòi quá trình xử lý nợ xấu. Vấn đề là ở chỗ, trong thời gian ngắn hạn khoảng 1-2 năm tới chưa thể trông mong được vào các NĐT nước ngoài. Bởi có rất nhiều rào cản mà bản thân NĐT không thể vượt qua và chúng ta muốn điều chỉnh cũng không thể ngày một ngày hai giải quyết được.
Cụ thể các rào cản đó là gì, thưa ông?
Đầu tiên, câu chuyện tuy cũ nhưng phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là số liệu về nợ xấu của chính các TCTD công bố còn chưa thống nhất. Ở một thị trường mà không có sự minh bạch thông tin thì khó mà tìm các NĐT chuyên nghiệp.
Thứ hai, NĐT nước ngoài rất quan tâm tới chi phí về mặt thời gian. Chúng ta có thể mất 3-5 năm chưa giải quyết được cũng không sao, nhưng với NĐT nước ngoài, phải được tối thiểu chi phí thời gian. Những thủ tục hành chính, công tác bàn giao hồ sơ, bán tài sản… ở VN rất rườm rà, mất thời gian…
Thứ ba, quy trình ra quyết định và thiện chí hợp tác cũng là trở ngại lớn. Doanh nghiệp (DN) tư nhân thường có được những quyết định nhanh, nhưng với những DN có vốn nhà nước, thì phải chờ thống nhất ý kiến, xin ý kiến chỉ đạo mới có được các quyết định, hơn nữa là tâm lý lo phải chịu trách nhiệm, lo bán giá thấp thì mất vốn nhà nước” nên không dám quyết. Việc chậm có quyết định cũng là một cản trở thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang ở mức thấp, trong khi nếu cứ “cố gắng” bán nợ cho NĐT ngoại có thể sẽ rơi vào bẫy thôn tính tài sản giá rẻ. Vậy chúng ta phải làm gì, thưa ông?
Khi đã có được một vài thương vụ hấp dẫn, lập tức sẽ hút thêm các NĐT khác tham gia. Như vậy, đông khách tự khắc có cạnh tranh và khi đã có cạnh tranh thì không lo mất giá. Đồng thời với việc mời NĐT nước ngoài, cũng cần quan tâm đầu tư trong nước. Thật ra những NĐT trong nước không có nhiều kĩ năng xử lý nợ xấu, nhưng có thể chào bán một số tài sản tạo sự đối trọng với NĐT nước ngoài. Ngân hàng nhà nước và các Ngân hàng cũng cần có chiên lược, đặt ra mục tiêu thời điểm nào giảm được bao nhiêu nợ xấu để có bước đi phù hợp, nếu không dễ dẫn đến nguy cơ bán ồ ạt tài sản vào một thời điểm nào đó cho đủ “chỉ tiêu” thì giá nào cũng phải chấp nhận.
Ngược lại, có thể có một số Ngân hàng thương mại đang muốn thực hiện chiến lược “găm hàng chờ giá lên” nên chưa muốn bán nợ cho VAMC. Nhưng theo tôi, Ngân hàng thương mại không nên như vậy mà nên bán nợ ngay cho VAMC.
Xin cảm ơn ông!