Nhà đầu tư nước ngoài “tranh nhau” đầu tư vào Mobifone
(Tài chính) Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng, ông Nirukt Sapru cho biết hiện đang có rất nhiều khách hàng quốc tế quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Mobifone khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.
Mới đây, ngày 01/12/2014 ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về vấn đề cổ phần hóa MobiFone.
Ông Nirukt Sapru cho biết hiện đang có khá nhiều khách hàng quốc tế hỏi Standard Chartered về cơ hội đầu tư khi Mobifone tiến hành cổ phần hóa. Chính vì vậy Standard Chartered muốn tìm hiểu thông tin về vấn đề này nhằm hỗ trợ cho khách hàng.
Trả lời ông Nirukt Sapru về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết hiện Bộ TT&TT đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông trong đó có việc tái cơ cấu MobiFone để hình thành trên thị trường có từ 3 đến 4 doanh nghiệp viễn thông mạnh cạnh tranh theo hướng chuyên nghiệp. Những doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam sẽ không chỉ hoạt động trong nước mà phải trở thành doanh nghiệp toàn cầu.
Về vấn đề cổ phần hóa Mobifone, Chính phủ đã quyết định để cho đối tác nước ngoài tham gia đầu tư và quản trị công ty nhằm đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Tuy quy mô của MobiFone không lớn nhưng lại đang là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất và mô hình quản trị tiên tiến và chất lượng nhân lực tốt tại Việt Nam.
Hiện tại, việc cổ phần hóa MobiFone đang đón nhận được sự quan tâm chú ý của giới đầu tư cả trong và ngoài nước.
Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa cho MobiFone, dự kiến trong năm 2015 sẽ tiến hành thực hiện cổ phần hóa.
Tại buổi làm việc này, ông Nirukt Sapru cho biết hiện nay đang có khoảng 5 - 6 công ty quan tâm đến việc đầu tư làm cổ đông chiến lược của MobiFone. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại vì khi cổ phần hóa MobiFone thì nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Vì vậy phía Standard Chartered cho rằng Chính phủ Việt Nam nên tuyên bố rõ ràng về chính sách cổ phần hóa cho Mobifone trước khi tư nhân hóa doanh nghiệp này để thu lợi tốt nhất cho quá trình cổ phần hóa.
Trước đó vào khoảng đầu tháng 8/2014 đại diện Comvik (Thụy Điển) cũng đã có buổi gặp lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông và bày tỏ mong muốn tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone cổ phần hóa.
Theo đại diện Comvik, tập đoàn này đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư vào MobiFone và khẳng định: với quá trình hợp tác lâu dài trước đây, Comvik có nhiều cơ hội và khả năng thành công tốt hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đầu tư vào MobiFone.
Không chỉ Comvik, nhiều hãng viễn thông nước ngoài như Telenor (Na Uy), Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom), các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán… cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào MobiFone. Nhiều trong số đó, từ năm 2006 đã mở văn phòng đại diện, chờ đợi cơ hội tham gia cổ phần hóa MobiFone. Và cho đến nay, tham vọng đầu tư để trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone của các đại gia này vẫn còn rất mạnh mẽ.