Nhà đầu tư săn mua cổ phiếu của doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn
Trên thị trường các cổ phiếu thoái vốn tăng mạnh nhờ yếu tố thoái vốn Nhà nước đang được giới đầu tư ráo riết săn mua.
Theo đó, một loạt cổ phiếu đã thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang được giới đầu tư nhòm ngó. Năm 2020, SCIC mới thoái vốn được một số doanh nghiệp, trong đó mã AFX của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang.
Ngoài ra hàng loạt các doanh nghiệp đã xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây như Công ty CP FPT (SCIC sở hữu 6%), Tập đoàn Bảo Việt (SCIC sở hữu 3%), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (SCIC sở hữu 51%), Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (SCIC sở hữu 27%), Công ty Đầu tư Bảo Việt - SCIC ( SCIC sở hữu 50%), Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam (SCIC sở hữu 33%).
Nhiều nhà đầu tư săn mua cổ phiếu PVM tăng mạnh cùng giao dịch sôi động chính là việc nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến thương vụ thoái vốn 51,6% của PVPower tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino, mã PVM - UPCoM).
Được biết, việc thoái vốn tại PVM nhận được sự chú ý từ lâu của giới đầu tư và mới đây được hâm nóng trở lại khi PVPower vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/12/2020.
Mặc dù chưa chốt phương thức thoái vốn cụ thể, vẫn đang trong quá trình xem xét, cổ phiếu PVM đã bật tăng lên mức 26.900 đồng/cổ phần, với thanh khoản cải thiện so với trung bình các phiên giao dịch trước.
Việc PVPower dự kiến thoái toàn bộ phần vốn 51,6% lần này hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi đơn vị nào mua lại được phần vốn từ PVPower sẽ nắm quyền chi phối hoạt động của PV Machino.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của PVMachino, tại ngày 30/9/2020, tổng cộng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 239 tỷ đồng, trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chỉ 69 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chưa tới 11 tỷ đồng.
Như vậy, nếu trả hết nợ PVM vẫn còn đến 160 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Đó là chưa tính đến các khoản phải thu đã trích lập dự phòng lên đến 237 tỷ đồng, trong khi đa số các khoản phải thu này có bảo lãnh của ngân hàng và/hoặc có tài sản đảm bảo (nghĩa là có khả năng thu hồi cao).
Đặc biệt, cổ phiếu VNP của Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam-VNP nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC (sở hữu 65,85% vốn). Tính đến nay cổ phiếu VNP đã tăng 50%, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt 200.000 - 300.000 cổ phiếu
Giá đóng cửa phiên 12/1 của VNP là 8.700 đồng/cổ phần, giá trị sổ sách vào khoảng 10,000 đồng/cổ phần. Theo giới đầu tư VNP được đánh giá là doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực kinh doanh có triển vọng tăng bởi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản tăng mạnh trong thời gian tới. Báo cáo hợp nhất quí III/2020, cho thấy VNP báo lãi tăng vọt nhờ ghi nhận lãi từ Công ty liên doanh liên kết 10,5 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/06/2020, VNP sở hữu 20,69% vốn Công ty cổ phần Nhựa Vân Đồn, nắm giữ 27,51% vốn Công ty TNHH LD Việt Thái Plastchem và 15% vốn tại Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina. Trong đó, Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina được xem là một trong những nhà cung cấp chính nguyên liệu của Công ty CP Nhựa Bình Minh (khoảng 50%).
TPC Vina cũng là công ty con, do Tập đoàn SCG Thái Lan sở hữu 70% vốn. Hiện SCG đang là chủ đầu tư của dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, quy mô gần 400 ha đất, gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên Huy Minh - nhà đầu tư trên sàn VPBS, nhận định, năm 2021 không chỉ sóng thoái vốn, và hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước cũng như hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra sôi động.
Cũng theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020-2021, có 93 doanh nghiệp nằm trong trong danh mục này. Số vốn IPO và phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo có thể lên tới 25 tỷ USD.
Do vậy, nhà đầu tư cần chọn lựa những doanh nghiệp tiềm năng, có yếu tố cơ bản tốt để từ nền tảng sẵn để phát triển sau khi Nhà nước thoái vốn. Cần xem xét việc thoái vốn trong những thương vụ lớn có thể đem lại giá trị cộng hưởng gì cho doanh nghiệp. Đồng thời, xác định tính khả thi của thương vụ thoái vốn và mức giá thoái vốn - một mức giá quan trọng để cổ phiếu có thể vận động. Đồng thời, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro, bởi tình hình thị trường chung có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thành công của các thương vụ và ảnh hưởng tới diễn biến giá cổ phiếu...