Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình: Nhân thêm lợi ích kép

Q.Thanh

Cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải từ sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân. Biến rác thải thành phân vi sinh, nâng cao độ phì cho đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường là những giải pháp đang được Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tận dụng phát triển.

Nếu không mục sở thị thì khó có thể hình dung được Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình lại như một công viên thu nhỏ, yên tĩnh, nằm lép mình bên sườn núi ngoại ô Thành phố Tam Điệp. Dẫn chúng tôi thăm quan khuôn viên Nhà máy, anh Bùi Thanh Quang – Phó giám đốc Phụ trách Nhà máy không dấu nổi niềm vui về những về những thành quả hiện nay Nhà máy có được sau hơn hai năm “khởi đầu nan”.

“Vượt qua những thử thách ban đầu, từ xây dựng Nhà máy đến tuyển dụng lao động, vận hành máy móc kỹ thuật, vận hành sản xuất cho ra sản phẩm… đến việc đưa sản phẩm đến với nông dân. Mỗi công đoạn đều mang đến cho tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy sự lo âu, hồi hộp về “hình hài”, đầu ra cho sản phẩm… và rồi chúng tôi đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi sản phẩm cuối cùng là phân vi sinh được người dân đón nhận, đến nay sản xuất không kịp nhu cầu.” – Anh Quang chia sẻ.

Đi vào hoạt động từ giữa năm 2014, với nhiệm vụ chính là xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt, các chất thải rắn để sản xuất phân vi sinh chất lượng cao, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình không chỉ góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, mà còn tạo ra nguồn phân vi sinh cung cấp cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Sau gần hai năm vận hành, lơi ích kép đã được Nhà máy nhân lên bằng những kết quả thực tế và càng trân trọng hơn, những lợi ích này đã được chia sẻ không chỉ với cộng đồng mà còn nhận được sự đón nhận tích cực từ chính những người nông dân.

Minh chứng cho điều này, anh Quang tiếp tục dẫn chúng tôi thăm những cánh đồng dứa, sắn, hoa màu có sử dụng phân bón vi sinh của Nhà máy. Những vát dứa mênh mông, nặng quả, ngút ngàn đồi sắn đang vào vụ thu hoạch… đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười, niềm hạnh phúc trong sự bội thu vụ mùa nông sản.

Bà Nguyễn Thị Mến, xã Quang Sơn, Tam Điệp không dấu nổi niềm vui: Chưa bao giờ chúng tôi có được sự bội thu như năm nay, từ dứa, sắn, chè, ngô đến các loại hoa màu khác. Niềm vui này được mang đến từ sản phẩm phân vi sinh của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình.

“Thực tình, ban đầu chúng tôi cũng băn khoăn lắm, không biết sản phẩm phân vi sinh mới này thế nào, mua về bón không khéo “tiền mất tật mang”. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sử dụng thử sản phẩm của Nhà máy trên diện tích nhỏ đã cho hiệu quả tích cực ban đầu. Tôi quyết định mua phân của Nhà máy sử dụng trên diện rộng với tất cả các loại cây trồng. Và kết quả như các bạn thấy, gia đình tôi đã bội thu…” – bà Mến không chia sẻ.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình: Nhân thêm lợi ích kép - Ảnh 1

Năng suất cây trồng được nâng cao rõ rệt sau khi sử dụng phân vi sinh của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình

Anh Phạm Thế Thoong, Thôn Trại Vàng, Quang Sơn, Tam Điệp đã sử dụng loại phân này từ hơn một năm nay cho cây săn dây cho biết: Nếu như các vụ sắn trước, gia đình thu được 60-70 kg sắn/hốc; nhưng đột nhiên năm nay năng suất tăng đột biến, trung bình đạt 1,5 – 1,7 tạ/hốc; nhiều hốc lên đến trên 2 tạ. Có được kết quả này là gia đình tôi đã sử dụng phân vi sinh của Nhà máy về trộn lẫn vào đất.

Đi đến đâu chúng tôi cũng thấy nông dân phấn khởi, năng suất cây trồng tăng, chất đất bạc màu nay được cải thiện. Đó chính là nhờ sử dụng phân bón vi sinh được chế biến từ rác thải của Thành phố. Để có được thành quả ban đầu này theo anh Quang là cả sự nỗ lực của toàn thể tập thể cán bộ Nhà máy không chỉ nỗ lực trong sản xuất mà cả trong vận động, tiếp thị sản phẩm đến tận đầu ruộng người nông dân.

Theo anh Bùi Thanh Quang: Thời gian đầu, khi đưa ra bón thí điểm cho cây trồng đã gặp không ít khó khăn từ tâm lý của người dân do phân hữu cơ được sản xuất từ rác thải. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng đưa vào thí điểm trên những loại cây trồng trọng điểm của địa phương như dứa, cây màu và rau các loại, những mô hình thí điểm sử dụng phân hữu cơ của nhà máy đều đạt kết quả tốt. Khi bón phân này cho thấy phân giúp cải tạo chất đất, làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hiệu quả sử dụng các loại phân bón hóa học. Đặt biệt, thích hợp với các loại cây trồng như cây công nghiệp (dứa, chè, mía...), cây ăn quả (cam, quýt, nhãn, vải...), cây màu (ngô, đậu, lạc), rau, đậu các loại.

“Với người nông dân thì không lời nói nào bằng kết quả thực tế. Chúng tôi chỉ có thể thuyết phục người nông dân bằng năng suất qua các vụ thu hoạch. Để rồi, “hữu xạ tự nhiên hương”, người dân đã tìm đến và đón nhận sản phẩm của chúng tôi bằng chất lượng và giá thành phù hợp…” – Anh Quang cho biết.

Chất lượng phân, theo kết quả phân tích được thực hiện tại phòng kiểm định phân bón số 11 thuộc viện Nông Hóa- Thổ nhưỡng thì phân bón có chất lượng tốt, hàm lượng hữu cơ cao, không có chất cấm và kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép (theo quy định tại thông tư số 41/2014/tt-bnnptnt). Do đó, phân bón rất an toàn khi sử dụng cho cây trồng (không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của người sử dụng các loại cây trồng sử dụng phân bón trên).

Bằng sự đón nhận tích cực của người nông dân sử dụng sản phẩm đã tạo động lực quan trọng cho Nhà máy đẩy mạnh sản xuất. Năm 2015, lượng phân hữu cơ sản xuất đạt trên 1.200 tấn. Nhiều thời điểm lượng sản phẩm không đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân. Trong khi giá thành sản phẩm lại rất phù hợp với người dân (khoảng 1 triệu/1 tấn). Đây là một tín hiệu vui cho đội ngũ công nhân, kỹ sư Nhà máy. Hiện nay, nhà máy cũng mới phát huy được khoảng 1/3 công suất, bởi số lượng rác đầu vẫn chưa đủ để vận hành hết công suất.

Như vậy, lợi ích kép đã được Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình nhân thêm từ hiệu quả kinh tế đến giải quyết được môi trường. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, bền vững lâu dài từ đầu vào cho đến đầu ra, hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những vấn đề tiên quyết lúc này là vận phân loại rác đầu nguồn và rác được thu gom ở tất cả mọi địa phương trong tỉnh. Để làm được điều đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng là cần thiết.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư của nhà máy cũng cần có sự đồng thuận quyết tâm cao trong việc duy tu, bảo dưỡng, tìm đầu ra cho nhà máy để cải thiện đời sống, khích lệ những công nhân đang vì sự nghiệp bảo vệ môi trường của Tỉnh.