Đề xuất bỏ, giảm khoảng cách trong thang, bảng lương:
Nhà nước làm thay đến bao giờ?
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ, TB - XH) đang dự thảo sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, trong đó đề xuất bỏ khoảng cách trong xây dựng thang, bảng lương hoặc giảm từ 5% hiện nay xuống còn 3%. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng, khi tổ chức công đoàn chưa đủ năng lực để thực sự đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, thì dù Chính phủ có làm thay và chi tiết bao nhiêu cũng không thể phù hợp với hàng trăm nghìn loại hình doanh nghiệp.
Không phù hợp với kinh tế thị trường
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đề xuất bỏ khoảng cách trong xây dựng thang, bảng lương hoặc giảm từ 5% hiện nay xuống còn 3% của Bộ LĐ, TB - XH?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi. |
Ông Đặng Như Lợi: Bộ luật Lao động 2012 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động trên cơ sở các nguyên tắc do Chính phủ quy định (Khoản 1, Điều 93).
Là cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ, có thể Bộ LĐ, TB - XH thấy rằng việc quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp là chưa phù hợp cơ chế thị trường, vẫn là vết mòn của cơ chế bao cấp khi thực tế phần lớn doanh nghiệp vốn ỷ lại, dựa dẫm vào quy định của Nhà nước là chính, chưa đủ năng lực để tự quyết định chế độ tiền lương một cách hợp lý.
Và quan trọng là, khi tổ chức công đoàn - người đại diện cho quyền và lợi ích của người lao động, trong cơ chế thị trường lại chưa đủ năng lực, chưa thực sự đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, thì dù Chính phủ có làm thay bao nhiêu, chi tiết bao nhiêu cũng không đủ, không kịp thời và không phù hợp với hàng trăm nghìn loại hình doanh nghiệp ở mọi miền đất nước, vì đó không phải là phương thức quản lý của cơ chế thị trường
Trong khi lương tối thiểu vẫn còn thấp hơn so với mức sống tối thiểu thì cả hai phương án trên có vẻ đều hướng tới quyền lợi của doanh nghiệp hơn quyền lợi của người lao động. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ý kiến trên xuất phát từ góc nhìn thực tế, tổ chức công đoàn hiện nay chưa đủ năng lực, chưa thực sự đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nhưng không lẽ để bất cập này mãi tồn tại, không muốn nền kinh tế thị trường phát triển phù hợp với quy luật khách quan? Khi người lao động dần có đủ nhận thức, hiểu biết, tham gia xây dựng, tổ chức công đoàn doanh nghiệp phát triển đủ mạnh, đủ năng lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người sử dụng lao động đâu dễ dàng áp đặt mọi quy định bất lợi đối với người lao động về thang lương, bảng lương mà với cả “sàn” mức lương tối thiểu vùng quy định vô lý hiện nay?
Vì vậy, ngay từ bây giờ phải hướng tới các quy định tạo điều kiện và cả áp lực đối với người lao động. Người lao động thay đổi nhận thức, hiểu biết cơ bản về định hướng phát triển nền kinh tế thị trường. Có kiến thức cơ bản về quan hệ lao động, sống và làm việc theo pháp luật lao động, tiền lương và các chế độ khác đối với người lao động do hai bên thương lượng, thỏa thuận quyết định.
Không nhất thiết phải có các quy định chung chung, không thể kiểm soát và thiếu chế tài xử lý như cách làm hiện nay. Người sử dụng lao động không thể hoạt động kinh doanh nếu không có người lao động, đó là một thế mạnh.
Nên giao cho công đoàn thương lượng
Cũng có ý kiến rằng, quy định khoảng cách 5% trong xây dựng thang, bảng lương như hiện nay là công cụ quản lý quan trọng để khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Liệu việc xóa dần khoảng cách này có là điều đáng tiếc cho cả doanh nghiệp và người lao động không, thưa ông?
Quyền lợi của người lao động từ quy định của thang lương, bảng lương, định mức lao động là quan trọng nhưng không phải là tất cả mà còn rất nhiều các chế độ đãi ngộ khác như các khoản phụ cấp lương, trợ cấp, tiền thưởng, tiền lễ, Tết, đi lại, ăn ở, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện, môi trường lao động...
Riêng trong thang lương, bảng lương, mức lương còn có quy định xếp lương, bồi dưỡng thi tay nghề, nâng bậc lương, nếu tất cả được người sử dụng lao động quy định cao và chặt chẽ thì khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương có cao mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Vấn đề chính là hao phí lao động của công việc hoặc chức vụ mà người lao động đang làm (vị trí việc làm) có được xác định giá trị tương ứng hay không, có bảo đảm tương quan với thị trường tiêu dùng, sức lao động và bảo đảm tương quan với giá trị làm lợi cho doanh nghiệp hay không.
Bộ LĐ, TB - XH dự kiến đề xuất bỏ quy định nguyên tắc khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương không có nghĩa là giữa các bậc lương không còn khoảng cách mà khoảng cách cao hay thấp này được chuyển cho công đoàn cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người sử dụng lao động quy định một cách phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức, phân công, sử dụng lao động, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Tuy vậy, công đoàn cơ sở hiện nay vẫn còn yếu so với chủ doanh nghiệp về trình độ, năng lực, khả năng can thiệp vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước vào thang bảng lương của doanh nghiệp liệu có dẫn tới tình trạng doanh nghiệp gây sức ép tiền lương cho người lao động ở mức thấp không, thưa ông?
Thực tế cơ chế thị trường hàng chục năm nay khẳng định, tổ chức công đoàn có vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nay chuyển đổi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường mà tổ chức, hoạt động của công đoàn vẫn chưa theo cơ chế thị trường, chưa đủ trình độ, năng lực, khả năng can thiệp vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà phải có sự can thiệp của Nhà nước là điều dễ hiểu.
Nhưng vấn đề chính ở đây là Nhà nước can thiệp, làm thay đến bao giờ để nền kinh tế thị trường vận hành theo cơ chế phù hợp? Không thể kéo dài mãi tình trạng hiện nay. Do vậy, phải xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Chỉ khi tổ chức công đoàn đủ năng lực, thực sự đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đứng ra thương lượng, thỏa thuận, xác định giá trị cụ thể để xây dựng thang lương, bảng lương thì mới phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của của các bên trong doanh nghiệp.
Trong quá trình chuyển đổi để Nhà nước có thể can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì doanh nghiệp (gồm cả tổ chức công đoàn) phải bảo đảm thực hiện đăng ký, báo cáo đầy đủ các quy định về tiền lương và các chế độ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Căn cứ vào đó cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra, can thiệp điều chỉnh, đồng thời có chế tài đủ mạnh xử lý các doanh nghiệp vi phạm nhằm bảo đảm chế độ tiền lương và các chế độ khác đầy đủ, phù hợp đối với người lao động.
Xin cảm ơn ông!