Nhà ở công nhân - nhu cầu lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế

Theo Minh Huyền/Báo Cần Thơ

Trong giai đoạn TP. Cần Thơ thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phu, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Bài toán về hỗ trợ DN xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân trở thành đề tài cần được quan tâm đúng mức và cần lộ trình quy hoạch, mời gọi đầu tư phù hợp trong giai đoạn hậu COVID-19.

Một dãy nhà xây thô thuộc dự án nhà ở cho công nhân của Công ty Caseamex được tận dụng làm địa điểm xét nghiệm COVID-19 cộng đồng. Ảnh: Minh Huyền
Một dãy nhà xây thô thuộc dự án nhà ở cho công nhân của Công ty Caseamex được tận dụng làm địa điểm xét nghiệm COVID-19 cộng đồng. Ảnh: Minh Huyền

Còn nhiều khó khăn

Tính đến cuối tháng 8/2021, trong các khu công nghiệp (KCN) của TP. Cần Thơ có 170 DN đang hoạt động với trên 40.500 công nhân. Người lao động làm việc trong các KCN là người dân trên địa bàn thành phố và dân nhập cư từ các tỉnh lân cận trong vùng ÐBSCL. An cư cho công nhân là vấn đề được thành phố quan tâm, song thực tế còn rất nhiều thách thức đặt ra. Và khi dịch COVID-19 bùng phát, vấn đề đảm bảo nơi ở tập trung cho công nhân trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Ðể đảm bảo đủ điều kiện hoạt động trong giai đoạn thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, DN phải tuân thủ phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”. Tuy nhiên, trên 90% DN không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Cơ sở hạ tầng nhà xưởng không đảm bảo các điều kiện để bố trí nơi ở tập trung cho người lao động là vướng mắc lớn nhất. Thậm chí các đơn vị bố trí được chỗ ở cho công nhân đều cho rằng đây không phải là giải pháp lâu dài vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người lao động khi phải ở lại nơi làm việc dài ngày. Theo ông Tín, qua triển khai phương án “3 tại chỗ” cho thấy, nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn nhưng trên địa bàn thành phố chưa có các dự án nhà ở dành cho công nhân.

Các KCN đa phần hình thành nhiều năm, như Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt, Hưng Phú và thời điểm đó vẫn chưa có các quy định hay chính sách liên quan đến nhà ở công nhân. Công nhân không có nhà ở trên địa bàn chủ yếu sinh sống ở các khu nhà trọ cho thuê ở gần nhà máy, công xưởng, KCN. Có 1 DN trong KCN Trà Nóc 2 là Công ty Caseamex từng đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua nhưng việc tiếp cận vốn đầu tư cũng như thu hút công nhân vào ở cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Ðặc điểm cư trú và tập quán sinh hoạt của công nhân khu vực ÐBSCL cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư e ngại, không mặn mà với nhà ở công nhân. Theo ông Ðỗ Hoàng Thọ, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, công nhân ở Cần Thơ có đặc điểm riêng là có nhà tại TP. Cần Thơ hoặc các địa bàn lân cận như An Giang, Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Hậu Giang... nên những ai có nhà ở có cự ly gần với nhà xưởng chọn đi về hằng ngày hoặc chọn ở nhà thuê.

Một số công nhân ở địa phương là nông dân cũng có tình trạng đến mùa thu hoạch nông sản nghỉ việc để về nhà làm nông sau đó quay trở lại xin việc ở công ty khác. Một số nhóm công nhân có xu hướng muốn thuê nhà trọ do không phải chịu sự quản lý cùng các nội quy khi ở trong các dự án nhà ở công nhân. Loại hình nhà ở xã hội cho thuê có nhu cầu thực tế nhưng cần vốn lớn lại khó thu hồi vốn nên các DN không muốn thực hiện.

Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, việc đầu tư nhà ở xã hội trong đó có nhà ở cho công nhân thực hiện chủ yếu từ vốn của DN. Do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao; mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thông qua ngân hàng chính sách địa phương thấp.

Một số nhà đầu tư các dự án trong KCN chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Thủ tục, quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân KCN còn phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.

Định hướng mời gọi đầu tư

Theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với số liệu rà soát tại thời điểm tháng 12-2019, thành phố cần phát triển thêm 24.828 chỗ ở cho công nhân người lao động trong các KCN. Ước tính đến năm 2025, 1 người công nhân có nhu cầu nhà ở tương ứng là 10m2 sàn/người.

Như vậy, tổng nhu cầu nhà ở của công nhân đến năm 2025 là 51.993 người tương đương là 519.930m2 sàn. Nhu cầu cho giai đoạn 2026-2030, toàn thành phố có 71.991 công nhân, người lao động có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, diện tích nhà ở công nhân cần xây dựng thêm tương ứng là 863.892m2 sàn (12m2 sàn/người).

Theo ông Phạm Duy Tín, một số địa phương được phép cân đối một phần ngân sách để xây dựng nhà ở công nhân nhưng TP. Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương nên không có chính sách ưu đãi như một số địa phương khác. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp đã tham mưu thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khi giao dự án KCN phải có điều kiện nhà đầu tư hạ tầng KCN phải có điều kiện xây dựng nhà ở công nhân kèm theo các chính sách ưu đãi. Ban cũng đưa vào quy hoạch các dự án KCN mới như khu 900ha ở Vĩnh Thạnh, 500ha ở Ô Môn buộc xây dựng nhà ở công nhân. Nhà ở công nhân nằm trong nhóm nhà ở xã hội nên có thể cho thuê hoặc thuê mua tùy theo đối tượng.

Ðịnh hướng của thành phố là các KCN mới sẽ mời gọi thu hút đầu tư là kết hợp hình thành các khu đô thị công nghiệp, bổ sung các khu nhà ở thương mại, kết hợp nhà ở công nhân, các cơ sở thương mại dịch vụ trong KCN. Ðồng thời, ưu tiên dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân. Thành phố cũng khẳng định khi lập quy hoạch các KCN phải gắn với quy hoạch nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, với hiện trạng trên địa bàn thành phố chưa có khu nhà ở công nhân, bên cạnh việc huy động nguồn vốn từ tư nhân đòi hỏi phải có những chính sách ưu đãi kèm theo về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, sự kết nối giữa nhà đầu tư hạ tầng KCN với nhà đầu tư thứ cấp là các DN thuê lại đất trong KCN để chăm lo cho người lao động tốt hơn.