Nhận diện diễn biến giá xuất nhập khẩu

Theo chinhphu.vn

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng, giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như lượng xuất, nhập khẩu, giá xuất, nhập khẩu, thị trường xuất, nhập khẩu, trong đó giá xuất, nhập khẩu là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu.

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng, giảm giá xuất, nhập khẩu năm 2011, năm 2012 và 6 tháng năm 2013 như sau:

Diễn biến giá xuất, nhập khẩu trong 2 năm rưỡi qua được nhận diện trên một số mặt chủ yếu.

Thứ nhất, giá xuất, nhập khẩu sau khi tăng khá cao vào năm 2011, đã liên tục giảm trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013.

Thứ hai, giá một số mặt hàng xuất khẩu trong năm 2012 và 6 tháng 2013 lớn hơn trong năm 2012.

Thứ ba, giá một số mặt hàng xuất, nhập khẩu trong năm 2012 và 6 tháng năm 2013 còn giảm với tốc độ lớn hơn tốc độ giảm chung.

Tốc độ giảm chung của giá xuất khẩu năm 2012 là 0,54% thì một số mặt hàng giá còn giảm sâu hơn: cao su, hạt điều, xơ sợi, than đá, gạo, sắn và sản phẩm sắn, sắt thép, phân bón, cà phê, chất dẻo nguyên liệu.

Tốc độ giảm chung của giá xuất khẩu 6 tháng 2013 giảm 4,21%, thì giá một số mặt hàng lại giảm nhiều hơn là quặng và khoáng sản khai thác khác, than đá, cao su, hạt điều, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu…

 Nhận diện diễn biến giá xuất nhập khẩu - Ảnh 1
Tốc độ tăng, giảm giá xuất nhập khẩu 2 năm rưỡi qua (%). Nguồn: Chinhphu.vn

Giá xuất khẩu một số mặt hàng đã giảm liên tiếp trong 1 năm rưỡi qua, như hạt điều, gạo, than đá, chất dẻo nguyên liệu, cao su, sắt thép.

Tốc độ giảm chung của giá nhập khẩu năm 2012 là 0,33%, thì giá một số mặt hàng giảm sâu hơn, như bông, giá hạt điều, giá xơ sợi, giá sắt thép, giá kim loại thường khác, giá ngô, giá phế liệu sắt thép, giá chất dẻo nguyên liệu, giá lúa mỳ, giá giấy, giá dầu thô. Tuy nhiên một số mặt hàng nhập khẩu giá lại tăng, như giá đậu tương, giá xăng dầu, giá khí đốt, giá phân bón…

Tốc độ giảm chung của giá nhập khẩu 6 tháng 2013 là 2,56% thì giá một số mặt hàng nhập khẩu giảm sâu hơn, như dầu thô, bông, cao su, phế liệu sắt thép, sắt thép, khí đốt, phân bón, kim loại thường khác, giấy, xăng dầu,… Tuy nhiên, một số mặt hàng giá nhập khẩu lại tăng, như lúa mì, ngô, đậu tương…, trong khi ngô, đậu tương là nông sản trong nước có thể sản xuất khối lượng lớn.

Thứ tư, tuy cùng xu hướng nhưng tốc độ tăng cụ thể có sự khác biệt giữa xuất khẩu và nhập khẩu khi tăng (như năm 2011), thì giá nhập khẩu tăng cao hơn giá xuất khẩu, khi giảm (như năm 2012 và 6 tháng 2013), thì giá nhập khẩu lại giảm ít hơn. Nói cách khác, lợi ích do tăng giá xuất khẩu thấp hơn thiệt hại do tăng giá nhập khẩu; lợi ích do giảm giá nhập khẩu thấp hơn thiệt hại do giảm giá xuất khẩu.

Tác động và ứng xử

Tác động và ứng xử với sự giảm giá được xét trên hai mặt, đó là đối với giá xuất khẩu và đối với giá nhập khẩu.

Đối với giá xuất khẩu, tác động của việc giảm giá thể hiện trên 3 điểm chủ yếu.

Trước hết, việc giảm giá xuất khẩu đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu khá lớn. Cụ thể:

Năm 2012, do giá giảm đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu của cao su 1194 triệu USD, gạo 450 triệu USD, hạt điều 367 triệu USD, xơ sợi dệt các loại 351 triệu USD, sắn và sản phẩm từ sắn 163 triệu USD, sắt thép 145 triệu USD, cà phê 121 triệu USD, phân bón 38 triệu USD. Chỉ 9 mặt hàng trên do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 2890 triệu USD.

Sáu tháng 2013, do giá giảm đã làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 215 triệu USD, cao su giảm 183 triệu USD, than đá giảm 136 triệu USD, quặng và khoáng sản khác giảm 101 triệu USD, hạt điều giảm 67 triệu USD, gạo giảm 62 triệu USD, sắt thép giảm 56 triệu USD, xăng dầu giảm 55 triệu USD, hạt tiêu giảm 20 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu giảm 9 triệu USD. Chỉ với 10 mặt hàng trên do giá giảm đã làm giảm kim ngạch 904 triệu USD.

Hai, giá xuất khẩu giảm là một trong những yếu tố làm cho thu nhập của người sản xuất hàng xuất khẩu bị giảm. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2012 bị giảm 2,13% (trong đó nông nghiệp giảm 4,51%), của người sản xuất hàng công nghiệp chỉ tăng 3,5%, 6 tháng đầu năm 2013, giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản giảm 2,51%, của người sản xuất công nghiệp tăng 4,18%. Khi thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán bị giảm hoặc tăng chậm sẽ làm cho tổng cầu tăng chậm, có một bộ phận còn bị giảm. Đây là yếu tố tác động đến hai vấn đề của nền kinh tế đang được quan tâm: đó là góp phần kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ba, do giá xuất khẩu giảm nhiều hơn giá nhập khẩu, nên tăng trưởng xuất khẩu bị chậm lại nhiều  hơn là tăng trưởng nhập khẩu và đây là một yếu tố của nhập siêu trở lại.

Giá xuất khẩu tăng, giảm chủ yếu do mặt bằng giá của thế giới, nhưng Nhà nước, các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cũng có thể có các giải pháp ứng xử để giảm thiệt hại. Một trong những biện pháp lâu nay vẫn thường áp dụng đó là mua tạm trữ. Một biện pháp khác là hỗ trợ người sản xuất tạm trữ. Tránh tranh bán, hạ giá khi cùng xuất khẩu trên một thị trường.

Đối với nhập khẩu, năm 2012 giá nhập khẩu 11 mặt hàng giảm đã làm kim ngạch giảm 2393 triệu USD; giá 6 mặt hàng tăng đã làm kim ngạch tăng 581 triệu USD; chênh lệch giảm 1812 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2013, giá 12 mặt hàng giảm làm giảm 1076 triệu USD; giá 3 mặt hàng tăng đã làm tăng 104 triệu USD; chênh lệch giảm 972 triệu USD.

Giá nhập khẩu giảm có tác động đến một số mặt là giảm lượng ngoại tệ phải nhập khẩu do giá giảm; giảm sức ép lạm phát do chi phí đẩy từ nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu; là cơ hội để tăng lượng  nhập khẩu, đón đầu khi kinh tế phục hồi, cũng tránh lạm phát thế giới tăng khi thế giới hoàn toàn vượt qua khủng hoảng; nhập siêu có thể tăng lên.

Có nhiều cách ứng xử với giá nhập khẩu giảm, trong đó có giải pháp quan trọng là tranh thủ nhập khẩu, nhất là máy móc, thiết bị- công nghệ khi giá cả nhập khẩu giảm; đẩy mạnh xuất khẩu và có biện pháp hạn chế nhập khẩu những mặt hàng cần hạn chế, cần kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhập siêu.