Nhận diện quy trình để đồng tiền "bẩn” trở nên “sạch”

PV.

(Tài chính) Ngày nay, cùng với sự trỗi dậy của các thị trường tài chính toàn cầu, hoạt động rửa tiền trở nên dễ dàng và cũng đáng báo động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên để đồng tiền "bẩn" trở thành đồng tiền "sạch" là một quá trình không dễ dàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bước thứ nhất là chạy chỗ tiền bẩn: Kẻ rửa tiền đưa tiền bẩn vào lưu thông trong hệ thống tài chính dưới hình thức tiền mặt gửi ngân hàng. Đây là thao tác đầu tiên trong chu trình rửa tiền, nhằm che dấu nguồn gốc xuất xứ, thay đổi hình thái tồn tại của “tiền bẩn” thông qua việc “hoà nhập” vào hệ thống tài chính ngân hàng.

Đây là giai đoạn khó khăn nhất và dễ bị phát hiện nhất, đặc biệt đối với những khoản tiền lớn hàng triệu USD. Bởi vì các ngân hàng đều được yêu cầu phải báo cáo các giao dịch có giá trị cao, những khoản tiền lớn gửi vào ngân hàng thường bị các cơ quan điều tra, cơ quan phòng, chống rửa tiền theo dõi. Tại Mỹ, chỉ cần giao dịch hơn 10.000 USD là ngân hàng phải báo cáo với chính quyền. Do đó, lượng “tiền bẩn” lớn thường được chia nhỏ ra dưới mức 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ và được gửi vào một hay nhiều tài khoản do nhiều người chuyển tiền khác nhau hoặc do một người duy nhất chuyển chậm trong thời gian dài.

Bước thứ hai là phân lớp tiền bẩn: Mục đích của việc này là nhằm xoá bỏ hoàn toàn nguồn gốc “bẩn” của đồng sau khi chúng đã xâm nhập được vào các hệ thống tài chính. Ở giai đoạn này, bọn tội phạm thường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tài chính, kế toán nhằm làm cho đồng tiền chuyển dịch khắp nơi, quay vòng nhiều lần nhằm xoá bỏ dấu vết phạm tội, cắt đứt một cách giả tạo mối liên hệ giữa tài sản và các hành vi phạm tội gốc. Cụ thể như chuyển giao giữa các ngân hàng, giữa các tài khoản khác nhau mang các tên khác nhau ở các quốc gia khác nhau, liên tục gửi và rút để thay đổi số tiền trong các tài khoản, thay đổi chủng loại tiền tệ và mua sắm những thứ có giá trị cao như tàu thuyền, nhà cửa, xe hơi, kim cương, tranh tượng… để biến hóa hình thức tiền. Đây là bước phức tạp nhất trong bất kỳ âm mưu rửa tiền nào, với mục tiêu làm sao cho “tiền bẩn” càng khó theo dõi càng tốt.

Bước thứ ba là hợp nhất “tiền bẩn”: Đây là giai đoạn cuối cùng, cụ thể là thông qua việc đầu tư hợp pháp sau khi “đồng tiền bẩn” được che giấu bởi một “bộ mặt sạch”. Ở giai đoạn này, những “đồng tiền bẩn” dưới vỏ bọc hợp pháp được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh như vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các khoản vay cá nhân, cổ phiếu, bất động sản…

Sau giai đoạn này, đồng tiền bẩn trở nên “sạch sẽ”, có khoảng cách khá xa với tội phạm gốc và là một thách đố cho cơ quan điều tra khi lần theo dấu vết của đồng tiền để truy tìm tội phạm gốc của chúng. Kẻ tội phạm xem như đã xuất sắc thành công trót lọt một phi vụ rửa tiền!