Nhận định về giá vàng năm 2022 và những năm tiếp theo


Đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp rõ ràng là cú sốc đối với mọi thị trường, nhất là thị trường tài chính. Trong bối cảnh không chắc chắn, nhìn nhận của giới đầu tư về tương lai thị trường thường được phản ánh vào diễn biến giá các tài sản được coi là ổn định hay trú ẩn an toàn là vàng. Bài viết nhận diện yếu tố tác động đến giá vàng, từ đó làm rõ về sức hút của vàng trong năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn?

Năm 2021 là năm đầy biến động đối với kim loại quý, đặc biệt là vàng. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến khó lường trên toàn thế giới, đã tác động đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Các giải pháp phòng chống dịch trực tiếp và hỗ trợ kinh tế đã được nhiều chính phủ trên thế giới áp dụng và đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia chưa như kỳ vọng.

Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước tiếp tục đề ra giải pháp ứng phó nhằm kích thích tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế. Theo ước tính, chính phủ các nước đã "bơm" ra thị trường một lượng tiền tệ lớn, khoảng 10.400 tỷ USD. Trên giác độ tiền tệ, tiền nhiều sẽ làm cho suy giảm giá trị các đồng tiền, trong đó có đồng USD. Về mặt lôgic, với diễn biến giảm giá của các đồng tiền, nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang tài sản khác ổn định hơn, đó chính là vàng.

Sản xuất đình trệ, nền kinh tế thế giới giảm sút, lao động, việc làm ở các quốc gia lớn như Mỹ hay Liên minh châu Âu bị chững lại dẫn đến thu nhập giảm… rất có thể đã tạo ra tâm lý tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư đó là vàng.

Ở Việt Nam, tính chung trong năm 2021, giá vàng trong nước tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng. Xét cả năm 2021, giá vàng có xu hướng tăng là chủ đạo, với hai đợt biến động sau: (i) Giá vàng tăng dần, từ ngưỡng 55 triệu đồng/lượng (tháng 4/2021) lên mức 57,6 triệu đồng/lượng (tháng 6/2021), trong khi giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức 1.900 USD/ounce; (2) Trong tháng 11/2021, giá vàng tăng khá mạnh, lần lượt vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng, 60 triệu đồng/lượng rồi 62 triệu đồng/lượng. Đến ngày 17/11/2021, giá vàng chạm đỉnh 62,25 triệu đồng/lượng, tương đương ngưỡng kỷ lục năm 2020.

Số liệu lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 6,2% trong tháng 10/2021, mức cao nhất trong 31 năm, là minh chứng giải thích cho những phản ứng của giới đầu tư khi tìm đến vàng để né tránh rủi ro lạm phát. Giới chuyên gia nhận định rằng, giá vàng thế giới tăng là do đồng USD suy yếu cùng với việc thị trường chứng khoán, tài chính vẫn còn những bất ổn. Evergade, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ cũng là một trong những lý do đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng.

Quan sát thị trường cho thấy, giá vàng trong nước theo sát giá vàng thế giới. Những tháng cuối năm 2021, giá vàng vẫn ở mức cao theo thị trường thế giới trước thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế vào tháng 3/2022 và 3 đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm 2022. Giới đầu tư cho rằng, việc thắt chặt này là quá sớm và họ chưa thực sự đặt trọn niềm tin vào sự phục hồi kinh tế ít nhất là ở Mỹ- nền kinh tế đầu tầu thế giới.

Chốt phiên giao dịch cuối năm 2021 (31/12/2021), tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,95 - 61,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 9,4% so với thời điểm đầu năm (4/1/2021).

2021 là năm đầu tiên Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ban hành báo cáo về đầu tư vàng cá nhân tại thị trường Việt Nam. Báo cáo chỉ ra rằng, vàng là tài sản lựa chọn nắm giữ đầu tiên của 68% nhà đầu tư, hơn các tài sản khác. 81% những người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng, với lý do rằng vàng là an toàn, phòng ngừa các rủi ro, bất trắc; tỷ lệ này là 45% theo mức trung bình toàn cầu. Báo cáo của WGC cho thấy, trong danh mục mua vào, vàng chiếm 4/10 được giới đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau những phiên tăng nóng, những phiên giao dịch gần đây giá vàng đã quay đầu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn, lo lắng. Theo các chuyên gia, hiện thị trường đang ứng xử đúng với vàng-tài sản phòng chống rủi ro, thủ thế an toàn hơn là tài sản để đầu tư.

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC cho biết: Nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam giảm chủ yếu là do việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, khiến nhu cầu mua bán trang sức, vàng miếng và tiền xu bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhận diện yếu tố tác động đến giá vàng

Cho dù khó có sự lặp lại, tuy nhiên, việc nhìn nhận, đánh giá biến động giá vàng trước các sự kiện có thể sẽ đem lại những suy ngẫm thiết thực đối với các nhà đầu tư.

Về nguyên lý, lý thuyết về lượng cầu tài sản tài chính và các thực nghiệm cho thấy, những chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa thời gian qua ở hầu hết các nước trên thế giới đã có tác động nhất định tới giá vàng. Cũng theo nguyên lý này, các cú sốc (như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh hay bệnh dịch…) cũng chắc chắn được cho là có ảnh hưởng đến giá vàng. Tóm lại, theo quan điểm kinh tế học có thể nhận diện yếu tố tác động đến giá vàng như sau:

Giá vàng và các cú sốc:

Nếu nhìn cả giai đoạn 2019-2021 cho thấy, giá vàng hay các kim loại quý tăng đột biến, nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dich COVID-19. Điều này cũng được minh chứng bởi giá vàng đã cách xa tương đối của chỉ số giá vàng so với CPI tại các nước công nghiệp hàng đầu.

Giá vàng và lãi suất thực:

Thực tế cho thấy, giá vàng biến động khá lạ so với lãi suất thực. Giá theo độ trễ của vàng được thể hiện sự tách rời khỏi lãi suất thực trong những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, hành vi như thế này thường sau đó sẽ được điều chỉnh (ví dụ như thời điểm tháng 11/2019 và tháng 11/2020). Điều này một lần nữa hỗ trợ cho nguyên nhân tác động do dịch bệnh COVID-19 hơn là nguyên nhân khác.

Thâm hụt ngân sách và giá vàng:

Thống kê và phân tích nhiều năm qua cho thấy, thâm hụt ngân sách của các quốc gia (nhất là Mỹ) có tác động đáng kể đến giá vàng. Điều này hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết kinh tế cơ bản. Tình hình dư nợ trái phiếu chính phủ tăng lên cũng đi liền với giá vàng tăng, đó là phản ứng hợp lý chứng tỏ thị trường đang quan ngại về thâm hụt ở Mỹ.

Giá dầu thô và giá vàng:

Giá dầu thô và giá vàng dường như biến động không đồng điệu trên thị trường quốc tế.

Sức hút của vàng trong thời gian tới

Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể dự đoán giá vàng cho năm 2022. Các tổ chức và chuyên gia phân tích đưa ra một số nhận định hoặc những góc nhìn trên phương diện dài hơn.

Đại diện đến từ Goehring và Associates cho rằng, những tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng sẽ còn được dư luận quan tâm. Khi lạm phát quá cao và việc tăng lãi suất không hiệu quả, hay nói chính sách thắt chặt này đã bất lực, thì vàng có thể bị đẩy vào một đợt tăng dữ dội. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục là yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng, bởi nó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Nhận định về giá vàng năm 2022  và những năm tiếp theo - Ảnh 1

Chuyên gia Goehring và Associates dự báo vàng sẽ tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 6-7 năm nữa. Còn theo chuyên gia từ DailyFX, giá vàng sẽ lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng sau một thời gian dài kém hấp dẫn hơn nhiều loại hàng hóa khác.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, kim loại quý có thể mất giá nghiêm trọng trong năm 2022. Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) đưa ra dự báo giá vàng năm 2022 giảm giá 16%. Bà Georgette Boele, chiến lược gia FX và kim loại quý cao cấp của ABN AMRO cho rằng, giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce (tương ứng gần 42 triệu đồng/lượng) vào cuối năm 2022, rồi giảm xuống 1.300 USD/ounce (tương ứng 36 triệu đồng/lượng) vào cuối năm 2023.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Natixis cũng tin rằng, giá vàng có thể trở về mức giá trước đại dịch, quanh ngưỡng 1.630 USD/ounce vào năm 2022, khi sự bình thường hóa nền kinh tế toàn cầu và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ làm giảm sức hấp dẫn kênh đầu tư kim loại quý.

Còn theo Ngân hàng Commerzbank (Đức), giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu. Ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022.

Nhận định về giá vàng năm 2022  và những năm tiếp theo - Ảnh 2

Theo giới phân tích, triển vọng thị trường vàng trong năm 2022, còn phụ thuộc vào sự chuyển động của chính sách tiền tệ và tác động đối với đồng USD cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới. Theo đó, sự bất ổn liên quan đến biến thể Omicron có thể khiến ngân hàng trung ương các nước ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ hơn trong năm 2022, từ đó hỗ trợ cho giá vàng. Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của Công ty RJO Futures nhận định, năm 2022 chắc chắn sẽ có lợi cho giá vàng, đặc biệt khi lạm phát cao có khả năng tiếp diễn.

Về thị trường vàng trong nước, có thể thấy, Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất hay cung vàng, do đó giá vàng trong nước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới. Mức chênh lệch giá vàng trong nước và nhập khẩu quy đổi có thể vẫn ở mức cao trong năm 2022 do những bất cập về nhập khẩu và sự điều chỉnh của thị trường xét về quá khứ trước đây. Do đó, việc nắm giữ vàng trong tương lai, nếu thật sự cần thiết, hợp lý nhất vẫn là theo diễn biến của giá vàng thế giới hơn là theo các thông tin đồn đoán ít có cơ sở kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đức Mạnh (2021), Hé lộ dự báo thời điểm giá vàng vào sóng mới trong năm 2022, https://laodong.vn/kinh-te/he-lo-du-bao-thoi-diem-gia-vang-vao-song-moi-trong-nam-2022-980464.ldo;
  2. Đỗ Nga (2021), Chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng vào giữa năm 2022, https://congthuong.vn/chuyen-gia-du-bao-gia-vang-se-tiep-tuc-tang-vao-giua-nam-2022-167842.html;
    Quang Đặng (2021), Phần lớn giới phân tích và nhà đầu tư dự báo giá vàng sẽ tăng lên trong tuần này, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-lon-gioi-phan-tich-va-nha-dau-tu-du-bao-gia-vang-se-tang-len-trong-tuan-nay-84689.htm.
  3. Diệp Anh (2022), Vàng có tạo nên sức hút trong năm 2022? Báo Tin tức;
  4. Nguyễn Hiền (2022), Năm 2022, giá vàng tiếp tục tăng cao lập kỷ lục mới? Báo Dân Trí;
  5. Standard Chartered (2021), Đánh giá triển vọng thị trường toàn cầu;
  6. Helena JSC Helena JSC (2021), Dự đoán giá vàng năm 2022: Chu kỳ tăng giá của giá vàng đã kết thúc, https://helena-jsc.com/du-doan-gia-vang-nam-2022-chu-ky-tang-gia-cua-gia-vang-da-ket-thuc.

* Lê Văn Hinh – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2022