Nhân rộng mô hình kinh doanh tuần hoàn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Anh Tú

Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH): Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, tại Việt Nam dù mô hình KDTH đã xuất hiện nhưng hiện vẫn ở mức thấp và tự phát. Do vậy, trong tương lai, mô hình này cần được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết COP26 về biến đổi khí hậu.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” (ngày 19/8/2022)
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” (ngày 19/8/2022)

Báo cáo “Mô hình KDTH: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” cho biết, hiện nay, kinh tế tuần hoàn (KTTH), mô hình KDTH đang được đặc biệt quan tâm. Từ kinh nghiệm ở các nước châu Âu như Đan Mạch và nhiều quốc gia khác cho thấy, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường” và “khuyến khích phát triển mô hình KTTH, để sử dụng tổng hợp, hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”. Cụ thể hóa các chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt “Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam”.

Trên thực tế, tại Việt Nam, cũng đã có nhiều DN chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...

Ngoài ra, nhiều DN đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế, ví dụ các trường hợp của Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Coca Cola, Công ty Lagom Việt Nam, Công ty cổ phần Hoá chất Đức Giang,.. Đặc biệt, trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình KDTH đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, phần lớn việc áp dụng các mô hình KDTH tại các DN ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do tự phát.

Tại Việt Nam dù đã có sự xuất hiện mô hình KDTH nhưng hiện vẫn ở mức thấp và tự phát, do vậy, trong tương lai, mô hình này cần được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Từ thực tiễn trên, CIEM nhận định, những khó khăn thách thức đối với phát triển các mô hình KDTH vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, đó là nguồn lực, công nghệ, thị trường… Bên cạnh đó, nhận thức về KTTH nói chung, đặc biệt là về mô hình KDTH tại Việt Nam còn hạn chế cũng là một thách thức không nhỏ.

Mặt khác, khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của DN chưa đáp ứng yêu cầu; văn hoá kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống. Kinh doanh tuyến tính truyền thống hiện vẫn đang có nhiều lợi thế so với KDTH, đặc biệt là ở khía cạnh chi phí.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đưa đến những cơ hội và thách thức đối với phát triển KTTH và kinh doanh trong KTTH, nhất là trong thời gian gần đây đã có chủ trương, chính sách mới về KTTH, KDTH để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, CIEM khuyến nghị, để phát triển KTTH nói chung và KDTH nói riêng, một số giải pháp quan trọng cần tập trung trong giai đoạn tới gồm: Tăng cường nhận thức về KTTH, KDTH; Hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan.

Đồng thời, cần đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển KTTH, KDTH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các DN và xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ KDTH của các DN, cũng như có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình KDTH cho các DN theo ngành, lĩnh vực...

Về phía DN, để tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các DN cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.