Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp tối ưu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Theo Lan Anh/kinhtemoitruong.vn

Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh tiếp tục được các nước triển khai hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Sản xuất bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến.

Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh tiếp tục được các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, carbon thấp và phát triển bao trùm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh tiếp tục được các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, carbon thấp và phát triển bao trùm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn là con đường phát triển bền vững

Những năm gần đây, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra những tác động, thiệt hại to lớn đối với sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia, đe dọa sự sinh tồn của cả nhân loại.

Theo đó, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh tiếp tục được các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, carbon thấp và phát triển bao trùm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Sản xuất bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua đã nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Pháp luật môi trường lần đầu tiên đưa ra những công cụ chính sách dựa trên cách tiếp cận dựa vào thị trường để thúc đẩy điều chỉnh hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng xanh, thân thiện với môi trường như quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho bảo vệ môi trường (thuế, phí bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, ký quỹ bảo vệ môi trường, phát triển thị trường các bon, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên, tín dụng xanh, trái phiếu xanh).

Ngoài ra còn nhiều các công cụ chính sách khác như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tính phí rác thải dựa theo khối lượng/thể tích…

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường gồm công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; công nghệ tiết kiệm năng lượng; dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung;

Dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

Tận dụng cơ hội cho các doanh nghiệp

Khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã và đang trở thành thách thức lớn cho nhân loại do hệ quả của gia tăng dân số, tốc độ tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế theo triết lý “nâu và tuyến tính” truyền thống.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và bất ổn chính trị đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực thách thức đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn cầu do hệ quả của giãn cách xã hội, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu, giá cả của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu gia tăng. 

Thực tế, nhận thức và nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa thì việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức.

Theo đó, Nhà nước phải tích cực, tiếp tục các chương trình, chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, Nhà nước cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải nhựa làm cơ sở cho việc thực thi ở các doanh nghiệp.

Để triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế môi trường (EEPI): Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn dựa vào lợi ích kinh tế để giải quyết 3 vấn đề chính, đó là: Giảm khai thác tài nguyên đầu vào; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.

Hiện nay, ở khía cạnh nào đó trong từng lĩnh vực cụ thể có những doanh nghiệp đã tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn dựa trên lợi ích mang lại do đổi mới công nghệ, tái sử dụng, tái chế chất thải…

Vì vậy khi có chủ trương chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một số doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện, điển hình như Công ty sữa Vinamilk, Công ty CP sữa TH, khai khoáng núi Pháo, Nestlé Việt Nam…

Trước yêu cầu đặt ra về một nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn đang giành được nhiều sự quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra một số khuyến nghị gợi mở cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế cũng như khó khăn cần khắc phục. Bởi chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ để chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát huy thế mạnh nội sinh và tận dụng ngoại sinh.

Bên cạnh đó, cần tư vấn chuyên gia giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp. Sự kết nối doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là với doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần xác định rõ thị trường đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn gồm thị trường trong nước và thị trường ngoài nước…

Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là với doanh nghiệp trước đây gây ra những bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ "nâu" sang "xanh" dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế - xã hội và môi trường của doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn.