Nháo nhác cổ tức trước mùa đại hội
(Tài chính) Nhiều nhà đầu tư bắt đầu thất vọng vì cổ tức mà các ngân hàng chi trả đã không đáp ứng được kỳ vọng, khi tỷ lệ cổ tức chỉ còn 2 - 3%
Hai năm trở lại đây, giá cổ phiếu ngân hàng tụt xuống đáy so với mọi thời kỳ, cổ tức bị cắt giảm mạnh, các dự báo về triển vọng cổ phiếu ngân hàng chưa có điểm sáng.
Lợi nhuận giảm mạnh
Đã có một thời các nhà đầu tư bỏ vốn mua cổ phiếu ngân hàng và được thị trường coi là "cổ phiếu vua". Đổ vốn vào cổ phiếu ngân hàng những năm trước đây, ngoài việc kỳ vọng giá tăng, nhà đầu tư còn trông chờ vào cổ tức hàng năm và nguồn thặng dư bằng cổ phiếu thưởng. Do tỷ lệ cổ tức nhiều ngân hàng chi trả trên dưới 25%, kèm theo việc phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư để lại.
Thế nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư bắt đầu thất vọng vì cổ tức mà các ngân hàng chi trả đã không đáp ứng được kỳ vọng, khi tỷ lệ cổ tức chỉ còn 2 - 3%. Thậm chí, một số ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu mất luôn khả năng chi trả cổ tức với lý do dùng mọi nguồn lực, kể cả lợi nhuận đạt được, để phục vụ cho mục tiêu tái cấu trúc.
Tỷ lệ cổ tức Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) dự kiến chi trả cho cổ đông năm 2013 là 8%. Lý do là lợi nhuận của ngân hàng này giảm đến 71% trong quý III/2013 và rất khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra.
Thực tế trong năm 2012, Southern Bank cũng đưa ra kế hoạch cổ tức 10%, nhưng kết quả cổ đông chỉ nhận được mức cổ tức 2,1%, với lý do lợi nhuận năm cũng giảm mạnh.
Lợi nhuận trước thuế thu về trong năm 2012 của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông (MeKong Bank) chỉ đạt 147 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông chỉ ở mức 2,5%.
Kế hoạch xây dựng cho năm 2013 của MeKong Bank về lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt ở mức 300 tỷ đồng, cổ tức trả cho cổ đông là 5,5%. Ông Tay Han Chong - Tổng giám đốc MeKong Bank cho biết, với tình hình thị trường và tăng trưởng tín dụng trong năm 2013, lợi nhuận không đạt kỳ vọng do một số khó khăn nhất định, nhất là về rủi ro nợ xấu.
Cũng bị giảm lợi nhuận liên tiếp trong hai năm qua, Ngân hàng Nam Việt - Navibank (vừa được đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân) mùa đại hội này có khả năng không chi trả cổ tức cho các cổ đông. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Navibank đạt 31,94 tỷ đồng, nhưng nợ xấu vẫn chiếm tới 6% tổng dư nợ cho vay tính đến hết năm 2013.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn 438,32 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối 2012. Vì thế, cổ đông Navibank rất khó để kỳ vọng cổ tức năm nay. Bên cạnh đó, Navibank là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu theo yêu cầu bằng nội lực.
Tương tự, một số NHTM khác đang trong quá trình tái cơ cấu như: PGBank, SCB, PVcomBank, VNCB… cũng rất khó có thể chi trả cổ tức cho cổ đông, mà chủ yếu dành nguồn lợi nhuận để phục vụ cho quá trình đẩy mạnh việc tái cơ cấu.
Gửi tiết kiệm lợi… hơn đầu tư
Không nằm ngoài xu thế, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa có thông báo về việc tạm ứng cổ tức năm 2013 cho cổ đông khoảng 3%. Hiện ngân hàng này vẫn chưa đưa ra lợi nhuận năm 2013, tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra từ đầu năm 2013 ở mức 400 tỷ đồng thấp hơn mức năm liền kề trước đó là 600 tỷ đồng.
Song, theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank, trong bối cảnh khó khăn của thị trường năm vừa rồi đã ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nên kết quả lợi nhuận thu về không như kỳ vọng, ảnh hưởng đến cổ tức. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận đề ra năm nay cũng sẽ được ngân hàng tính toán kỹ và thận trọng khi xây dựng kế hoạch mới.
Rõ ràng, ở một số ngân hàng nhỏ trước áp lực tái cơ cấu khả năng sẽ không còn lợi nhuận để chi trả cổ tức, do nợ xấu cao. Vì thế, dù muốn làm "ấm lòng" cổ đông, nhưng khó khăn thị trường đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ngành Ngân hàng thì áp lực lợi nhuận cũng như cổ tức sẽ gia tăng.
Đáng chú ý là khối ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng, thì tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông giảm còn 2-3%. So với trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm hiện nay, thì tỷ lệ chi trả cổ tức ở các ngân hàng này còn thua xa - chưa bằng một nửa. Song theo lãnh đạo các ngân hàng này, rất khó để làm "ấm lòng" cổ đông.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, khó có thể tránh được việc các ngân hàng đang giảm bớt lợi nhuận để không phải chia cổ tức nhiều cho cổ đông trong lúc này.
Thực tế, đối với các ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn như: Eximbank, ACB hay Sacombank… tỷ lệ cổ tức cũng có chiều hướng giảm dần trước bối cảnh thị trường đang khó khăn.
Eximbank lên kế hoạch mua lại 62 triệu cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư và lợi nhuận sau thuế của năm 2013. Vì thế, tỷ lệ cổ tức 2013 được Eximbank cho biết, cũng sẽ thay đổi so với kế hoạch dự kiến chi trả ban đầu là 12%.
Sự suy giảm cổ tức còn do một lượng lớn tiền đã được các ngân hàng đổ vào trích lập dự phòng rủi ro để có một ngân hàng an toàn hơn. Giới phân tích cho rằng, chưa bao giờ nguồn tiền đẩy vào trích lập dự phòng nhiều như năm 2013 so với 10 năm gần nhất. Điển hình như một Ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở TP. Hồ Chí Minh phải trích lập dự phòng rủi ro đến hơn 1.000 tỷ đồng.