Nhật Bản có thể đã sẵn sàng can thiệp tỷ giá


Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết hôm thứ Năm rằng, chính quyền nước này sẽ thực hiện các hành động cần thiết về tiền tệ - động thái báo hiệu sự sẵn sàng can thiệp vào thị trường tỷ giá hối đoái sau khi đồng yên trượt xuống mức thấp mới trong 38 năm so với bạc xanh.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 4/2024
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 4/2024

"Tỷ giá hối đoái ổn định là điều chúng tôi mong muốn. Những biến động nhanh chóng, một chiều là điều chúng tôi không mong muốn. Đặc biệt, chúng tôi lo ngại sâu sắc về tác động đối với nền kinh tế của việc đồng yên giảm giá quá mức", ông Suzuki nói với các phóng viên và thêm rằng: “Chúng tôi đang theo dõi các động thái với tinh thần tập trung cao độ, phân tích các yếu tố đằng sau các động thái đó và sẽ thực hiện các hành động nếu cần thiết”.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, chính quyền Tokyo sẽ có hành động “thích hợp” chống lại những biến động tiền tệ quá mức. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về mức giá nào của yên Nhật là đáng để đưa ra quyết định và liệu chính quyền có chuẩn bị để can thiệp hay không.

Đầu giờ sáng nay, yên Nhật đứng ở mức 160,45 JPY/USD ở thị trường châu Á, gần mức thấp nhất trong 38 năm là 160,88 JPY/USD đã chạm vào phiên trước đó.

Chính quyền Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực mới nhằm chống lại sự sụt giảm mạnh của đồng nội tệ, vốn đã giảm 12% kể từ đầu năm nay so với bạc xanh, khi các nhà đầu tư lo ngại về sự chênh lệch lãi suất khá lớn giữa Nhật Bản và Mỹ.

Sự sụt giảm nhanh chóng của yên Nhật xuống dưới mức quan trọng 160 JPY/USD đang làm gia tăng cảnh báo đối với thị trường về khả năng can thiệp mua vào yên Nhật của chính quyền Tokyo.

Chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities, Masafumi Yamamoto cho biết: “Tại thời điểm này, các nhà chức trách có lẽ đang bắt đầu lo lắng không chỉ về tốc độ mà còn về mức độ sụt giảm của đồng yên. Nếu họ không can thiệp, có nguy cơ đồng tiền này sẽ trượt xuống mức 162 JPY/USD”.

Nhưng các chuyên gia phân tích vẫn còn nghi ngờ rằng liệu việc điều chỉnh chính sách, thậm chí can thiệp thị trường ngoại hối có thể đảo ngược xu hướng suy yếu của đồng yên hay không. Bởi lẽ, nguyên nhân chủ yếu là do sự không chắc chắn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào thời điểm nào.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã không còn phát đi các tín hiệu về khả năng sớm tăng lãi suất, mặc dù bất kỳ sự gia tăng nào nếu có trong ngắn hạn vẫn sẽ khiến chi phí đi vay của Nhật Bản ở mức rất thấp.

Cuộc họp chính sách tiếp theo của BoJ sẽ được tổ chức vào ngày 30-31/7.

Nhật Bản đã chi 9,8 nghìn tỷ yên (khoảng 61 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường ngoại hối trong giai đoạn từ cuối tháng Tư và đầu tháng Năm, sau khi đồng nội tệ chạm mức thấp nhất trong 34 năm ở 160,245 JPY/USD vào ngày 29/4.

Theo Đại Hùng/thoibaonganhang.vn