Nhiều cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022
Quốc hội đã đề ra những nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó mục tăng trưởng GDP phải đạt từ 6-6,5%. Đây được đánh giá là mục tiêu không hề dễ dàng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tăng trưởng GDP 2 năm liền (2020-2021) đều đạt thấp với lần lượt 2,91% và 2,58%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, với những lợi thế đang có, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để đạt được mục tiêu trên.
Nói về cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng, cơ hội đầu tiên là trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong nước đã từng xuất hiện từ trước đại dịch COVID-19, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng giàu mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một nền kinh tế có sức hút lớn nhờ lao động chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả. Việt Nam có những cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy, chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa, nên nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy có thể nói, Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa này và tận dụng được lợi thế cạnh tranh...
Ông Jacques Morisset nhận định, mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Dự báo, Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng với điều kiện, Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì đại dịch COVID-19. Đồng thời với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai kích cầu kinh tế thông qua những chính sách về chi ngân sách và chính sách thuế. Nếu thực hiện được các nội dung này, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước đây, thậm chí còn có thể mạnh mẽ hơn nữa, bởi Việt Nam có thể bắt kịp thời điểm để quay lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch.
“Do vậy, tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với 2 điều kiện: Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tài khóa và nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch COVID-19”, ông Jacques Morisset nhấn mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 đạt 2,58%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là từ 6-6,5%. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021, nền kinh tế cũng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực, bởi quý III tăng trưởng GDP giảm sâu với mức trên 6%, nhưng bước sang quý IV, khi nền kinh tế mở cửa trở lại với Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ thì GDP đã bật tăng trở lại với mức 5,22%. Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng, tạo niềm tin cho Việt Nam đạt được mức tăng trưởng từ 6-6,5% vào năm 2022.
Đặc biệt theo bà Nguyễn Thị Hương, thời gian qua Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tốt về nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, cũng đã nhập khẩu cũng như toàn bộ động lưc tăng trưởng, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cũng được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020, đã thể hiện được kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
“Từ đó, chúng tôi dự kiến, Việt Nam hoàn toàn có niềm tin vào việc đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022”, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Mặc dù có những cơ hội thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới, cùng với đó là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm mới.
Theo đó, để hóa giải những thách thức trên, trước hết Việt Nam cần kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để tình trạng “đóng - mở” nền kinh tế tiếp tục diễn ra trong năm 2022, nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người dân và đảm bảo được hoạt động sản xuất, lưu thông, kết nối hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Để làm được điều này, việc đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng, chống dịch vẫn cần được tiếp tục thực hiện.
Đối với vấn đề giá nguyên, vật liệu tăng cao, để ứng phó với vấn đề này, chúng ta cần chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu trong nước, đặc biệt khai thác nguyên liệu có sẵn từ thị trường nội địa, để có thể làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình sản xuất. Cùng với đó, chủ động tìm kiếm thị trường nguyên, nhiên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu duy trì sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp ở mức tốt nhất.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022, Việt Nam cần có các thêm các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân tham gia vào sản xuất và triển khai mạnh mẽ hơn các gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo “cú huých” cho các ngành sản xuất phát triển, đóng góp vào tăng trưởng.