Nhiều địa phương xóa nghèo nhờ phát triển du lịch cộng đồng
Tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả của Nhà nước, nhiều huyện vùng cao đã tạo sinh kế ổn định, khơi dậy khát vọng thoát nghèo.

Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là một trong những hướng đi của ngành Du lịch. Từ đó, các địa phương khai thác tài nguyên du lịch từ thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, tạo mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tạo thu nhập chính đáng cho người dân.
Du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là hình thức du lịch mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân tham gia trực tiếp vào việc cung cấp dịch vụ cho du khách. Theo đó, người dân địa phương đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức các hoạt động du lịch, từ việc đón tiếp khách, cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực đến việc chia sẻ những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục của cộng đồng mình.
Mô hình du lịch cộng đồng giúp các vùng miền không chỉ gia tăng nguồn thu nhập từ khách du lịch, mà còn nâng cao nhận thức về giá trị bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Điều này đặc biệt quan trọng tại những địa phương vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và việc làm.
Ở nhiều vùng miền như các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên hay các tỉnh miền núi phía Bắc, du lịch cộng đồng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như các huyện miền núi Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai hay các khu vực phía Nam như Quảng Nam, Bình Thuận, nơi người dân bắt đầu khai thác tiềm năng du lịch từ chính những nét đặc sắc của văn hóa địa phương, cảnh quan thiên nhiên và nghề thủ công truyền thống.
Điển hình như Lào Cai, một tỉnh miền núi, được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là tài nguyên du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của địa bàn Tỉnh.
Từ những mô hình du lịch cộng đồng thí điểm như: Cát Cát, Sín Chải (xã San Sả Hồ), Bản Dền với vài hộ dân tham gia, đến nay Sa Pa đã nhân rộng mô hình này ra nhiều xã như: Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang, với sự tham gia của hàng trăm hộ dân làm du lịch, doanh thu của nhiều hộ đạt 40-50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2-3 lần so với các nơi khác.
Không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở địa phương, thị xã Sa Pa còn cùng bà con bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các sản phẩm dệt. Bởi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là điều hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Hay như tại xã Thành Lâm nằm trong Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa đã thoát khỏi “xã 135” (xã đặc biệt khó khăn) nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Khi du lịch chưa phát triển, người dân trong xã sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp xen kẽ với lâm nghiệp, thu nhập thấp, bình quân đầu người khoảng 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 40%. Đến nay, toàn xã có 27 cơ sở lưu trú, mỗi năm đón gần 20.000 khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng; doanh thu ước đạt hơn 8 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 250 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 8 triệu đồng, cá biệt có lao động mức thu nhập lên đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng phát triển du lịch cộng đồng cũng không thiếu thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại khó khăn, và chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững. Thêm vào đó, một số địa phương vẫn thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý du lịch, thiếu các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng trong công tác đón tiếp khách du lịch.
Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển du lịch cũng là một vấn đề cần được đặc biệt chú trọng. Việc gia tăng lượng khách du lịch có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các vùng thiên nhiên hoang sơ nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp.