Nhiều doanh nghiệp gạo, thủy sản đã vượt dịch thành công
Dù rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự vào cuộc hỗ trợ của bộ máy chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực xuất khẩu gạo, thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn có lợi nhuận, tạo đà hồi phục trong năm 2022.
Lúa gạo vẫn tăng trưởng tốt
Nếu như năm 2020, dịch COVD-19 ảnh hưởng mạnh tại các tỉnh, thành từ miền Trung trở ra thì năm 2021 lại bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL – vựa nông sản lớn nhất nước.
Vào lúc cao điểm bùng phát dịch (tháng 7 – 9) hơn 80% doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL gần như “tê liệt” hoàn toàn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động không đến được nhà máy.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính sách ngoại giao vaccine tốt, chỉ sau một thời gian ngắn tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt.
Cùng với đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã giúp cho hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi, nhờ đó mà doanh nghiệp đã dần “lấy lại sức” và bảo vệ được thành quả lợi nhuận trong những tháng đầu năm.
Theo báo cáo mới nhất của ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2021 không những không giảm mà còn tăng trưởng gần 3%, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 47,5 tỷ USD (kế hoạch được giao ban đầu là 42 tỷ USD). Ngành lúa gạo có đóng góp lớn khi diện tích gieo trồng giảm nhưng sản lượng lúa lại tăng khoảng 800.000 tấn so với năm 2020, xuất khẩu gạo năm 2021 có khả năng đạt trên 6 triệu tấn với kim ngạch trên 3 tỷ USD.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An – một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại khu vực ĐBSCL, vào lúc đỉnh điểm dịch bùng phát, công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt về sản xuất “ba tại chỗ”. Do lao động tại nhà máy không nhiều (dưới 100 lao động) nên việc tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” cũng không mấy khó khăn. Lợi thế của doanh nghiệp là có vùng nguyên liệu cánh đồng lớn nên việc thu mua vận chuyển nguyên liệu về nhà máy cũng không bị đứt gãy, nhờ vậy mà doanh nghiệp đã đảm bảo được nguồn cung cho các đơn hàng đã ký trước đó.
Theo ông Bình, đến thời điểm này Công ty Trung An tự tin sẽ đạt được kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên 30 triệu USD, tăng 67% so với năm 2020, lợi nhuận cả năm sẽ đạt trên 100 tỷ đồng như kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Các doanh nghiệp ngành gạo khác tại ĐBSCL như Lộc Trời, Agimex, cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong năm 2021. Đặc biệt giá cổ phiếu TAR (Công ty Trung An), LTG (Lộc Trời Group), AGM (công ty cp xuất nhập khẩu An Giang) cũng đã có nhiều phiên giao dịch bức phá với thị giá tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2021.
Doanh nghiệp thủy sản đã qua thời điểm “nguy kịch”
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng dịch COVID-19 trên 50% nhà máy chế biến thủy sản khu vực ĐBSCL phải dừng sản xuất. Riêng ngành chế biến cá tra chỉ còn 52/106 nhà máy hoạt động với trên 70% lao động bị mất việc.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ đạt khoảng 30- 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, năng suất lao động giảm mạnh.
Những khó khăn do Covid-19 tại các nhà máy chế biến cá tra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn chuỗi sản xuất cá tra như cá tra nguyên liệu không kịp thu hoạch, chế biến; hoạt động sản xuất giống, thả nuôi đã bị hạn chế mặc dù nhu cầu từ thị trường vẫn rất cao.
Thế nhưng sau khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi đã được đẩy mạnh góp phần thực hiện kế hoạch của ngành.
Dù phải duy trì sản xuất trong điều kiện hết sức khó khăn đó nhưng theo số liệu báo cáo của ngành nông nghiệp, dự báo trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản có khả năng đạt 8.8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,54 tỷ USD, còn lại là các sản phẩm khác.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, quý III/2021, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt trên 2.230 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận gộp đạt trên 408 tỷ đồng, tăng 78%.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt trên 6.361 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt trên 646 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong tháng 10, tháng 11, Công ty Vĩnh Hoàn tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhận tăng gần 20%. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn còn hưởng lợi thuế suất nhập khẩu vào thị trương Mỹ là 0% từ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra – ba sa của Việt Nam.
Dù rất khó khăn trong tổ chức sản xuất trong thời điểm dịch bệnh COVD-19 bùng phát nhưng trong quý III, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vẫn tăng 18,6%, đạt hơn 289 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng Minh Phú đạt lợi nhuận sau thuế 544 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Năm 2021, tập đoàn Minh Phú vẫn giữ vững mục tiêu đạt doanh thu khoảng 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), như thông lệ hàng năm thời điểm tháng 11 và 12 nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu thủy sản rất cao, nhờ vậy sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà phục hồi. Cùng với đó là tỷ lệ tiêm vaccine ở các doanh nghiệp đã đạt gần 100%, cước phí vận chuyển quốc tế cũng đang hạ nhiệt. Có thể nói thời điểm “thập tử nhất sinh” của doanh nghiệp thủy sản đã qua và đây là lúc doanh nghiệp “lấy đà” cho tăng trưởng mạnh vào năm 2022.