Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam

PV.

(Tài chính) Nhìn thấy triển vọng trong môi trường đầu tư và đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, gần đây các nhà đầu tư Thái Lan đang có xu hướng “đổ bộ” sang Việt Nam.

Khu công nghiệp Amata được đánh giá là một mô hình đầu tư thành công của DN Thái Lan. Nguồn Internet
Khu công nghiệp Amata được đánh giá là một mô hình đầu tư thành công của DN Thái Lan. Nguồn Internet

Nhiều dự án mới triển khai

Lễ ký kết triển khai dự án Khu công nghiệp công nghệ cao và Khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với Tập đoàn Amata Corporation của Thái Lan vừa diễn ra 21/8 cho thấy, với tiềm năng, thế mạnh của một tập đoàn có uy tín trên thế giới, Amata Corporation không chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao và khu đô thị dịch vụ có chất lượng cao, mà còn mời gọi những đối tác có uy tín, thương hiệu trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, điều đó cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam ngày một nâng cao.

Tính đến nay Thái Lan có trên 300 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ hai trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, đáng kể như các tên tuổi như Siam Cement Group (SCG), Amata Corp, Charoen Pokphand (C.P). Trong đó, các lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây dựng, thực phẩm và bán lẻ được nhiều nhà đầu tư Thái quan tâm.

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn SCG ông Kan Trakulhoon từng cho biết: SCG đầu tư tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có 19 công ty thành viên tập trung trong các lĩnh vực hóa dầu, giấy, bao bì, xi măng, vật liệu xây dựng với tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD. Trong 6 tháng 2014 doanh thu từ hoạt động bán hàng đạt gần 300 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn SCG nhận thấy trong dài hạn sự tăng trưởng của nền kinh tế các nước Đông Nam Á nên nhiều doanh nghiệp đầu tư vào, trong đó Việt Nam là một địa điểm đầu tư quan trọng của tập đoàn.

Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) là một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam C.P. hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm. Không chỉ sản xuất, C.P Việt Nam còn có chuỗi cửa hàng thực phẩm C.P. Fresh Mart và chuỗi thức ăn từ thịt gà Five Star Chicken để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng là thế mạnh thu hút các nhà đầu tư Thái. Điển hình tháng 6/2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam và đổi tên thành Bs Mart và đưa hàng hoá mang thương hiệu Thái Lan thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Hay như, mới đây nhất là thương vụ BJC đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC VN) với tổng giá trị lên đến 870 triệu USD. Sắp tới, tập đoàn Central (nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan) sẽ mở trung tâm tại khu thương mại Crescent Mall (khu đô thị Phú Mỹ Hưng- TP HCM).

Kỳ vọng môi trường đầu tư

Đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam, Ông Rutch Soratana - Phó Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM chia sẻ: Môi trường đầu tư cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Thái Lan khi chuyển hướng đến làm ăn tại Việt Nam. Ngoài ra, tiềm năng nhân lực của Việt Nam cũng được đánh giá cao khi nguồn nhân lực rẻ hơn Thái Lan, có đội ngũ lao động đông đảo. Đặc biệt, có sự tương đồng về mặt địa lý.

Một lý do khác khiến cho thị trường Việt Nam có “lực hút” các nhà đầu tư trong khu vực Asean là do: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đã từng rất khả quan và tình hình vẫn đang tiến triển tương đối ổn định. Thứ hai, Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp bước vào 3 thị trường quan trọng khác là Lào, Campuchia và miền nam Trung Quốc. Với sự gắn kết rất gần về vị trí địa lý đó có thể tiếp cận không chỉ đơn thuần trong 90 triệu dân, mà con số sẽ lớn hơn rất nhiều tại khu vực Đông Nam Á khi quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến rất gần.

Trong Hội thảo về cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam vừa được tổ chức tại thủ đô Bangkok các nhà đầu tư Thái Lan  khẳng định tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư dài hạn ở Việt Nam với niềm tin sẽ gặt hái được những lợi ích kinh tế lớn trong tương lai. Ông Christopher Runckel-Chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ- Việt cho rằng, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên cao; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật; nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, điều hành; xây dựng chính sách phát triển kinh tế rõ ràng và tăng cường giáo dục ý thức của người lao động. Tất cả những yếu tố trên là minh chứng thực tế cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn và là những cơ sở đáng tin cậy để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh tại đất nước này.

Cũng theo ông Runckel, ngoài những yếu tố trên, Việt Nam còn rất nhiều lợi thế khác như có nền chính trị ổn định và đội ngũ lao động lành nghề. Cụ thể là các sản phẩm do công nhân Việt Nam làm ra luôn được đánh giá là có chất lượng cao trong khu vực, đặc biệt là các mặt hàng của hãng Nike và những sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng có những hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ lạm phát cao, hệ thống giáo dục - đào tạo lạc hậu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kém phát triển, chưa chú trọng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như tính minh bạch trong hoạt động kinh tế. Ông Runckel cho rằng nếu khắc phục được các yếu điểm trên thì chắc chắn Việt Nam sẽ tạo ra được môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi.