Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Minh Anh

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức trên cả nước, nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng nước nhà.

Trước tiên phải kể đến Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15/5 tại Nghệ An. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Làng Sen năm 2025.

Tuần phim là dịp để công chúng, đặc biệt là nhân dân Nghệ An - quê hương của Người, tưởng nhớ và tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Những tác phẩm điện ảnh được trình chiếu trong Tuần phim không chỉ khắc họa sâu sắc cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mà còn góp phần lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp, cổ vũ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội.

Phim tài liệu "Những nét vẽ từ trái tim"
Phim tài liệu "Những nét vẽ từ trái tim"

Lễ khai mạc Tuần phim sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30, ngày 12/5, tại Nhà hát Dân ca Nghệ An, chiếu phim truyện “Vầng trăng thơ ấu”. Đây là bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước, do Hồ Ngọc Xum đạo diễn, Công ty cổ phần Phim Giải Phóng sản xuất.

Cũng trong khuôn khổ Tuần phim, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức chương trình giao lưu giữa khán giả với một số nghệ sĩ từng đảm nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh.

Ngoài ra, còn có giao lưu của các nghệ sĩ đoàn phim “Vầng trăng thơ ấu”; “Đào, phở và piano”; phim tài liệu “Những nét vẽ từ trái tim” với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu IV ngày 13/5 và với cán bộ, giảng viên, sinh viên tại Trường Đại học Vinh ngày 14/5.

Đoàn nghệ sĩ cũng sẽ đến tham quan và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, tham quan di tích lịch sử Đền Vua Quang Trung… Lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ, Quảng trường Hồ Chí Minh vào lúc 16 giờ ngày 12/5.

Tiếp đến là tháng hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), từ ngày 5 - 31/5 với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Điểm nhấn trong các hoạt động tháng 5 là chương trình dân ca, dân vũ “Bác Hồ một tình yêu bao la” thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, Huế, đối với Bác Hồ và giao lưu cùng một số nhóm đồng bào lân cận cùng thể hiện tình yêu, tiếng lòng mình với Bác Hồ kính yêu.

Chương trình cũng giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của những người con mang họ Hồ qua di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghệ thuật dệt ​zèng (thổ cẩm), là niềm tự hào của đồng bào Tà Ôi huyện A Lưới, kết hợp giới thiệu văn hóa - du lịch miền Tây xứ Huế và vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi.

Trong chương trình cũng diễn ra sự kiện dân ca, dân vũ “Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ” kết hợp nhiều câu chuyện kể của đồng bào dân tộc Tây Nguyên về tình cảm của Bác Hồ, tấm gương của Bác mà đồng bào noi theo, học tập...

Trong tháng 5 này, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng giới thiệu chương trình mang tên “Tháng năm cùng Người”, với 2 tác phẩm kịch nói đặc biệt tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm vở “Người đi dép cao su” và vở “Đêm trắng”.

Trong đó, vở “Người đi dép cao su” tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam qua từng dấu chân bền bỉ.

Vở “Người đi dép cao su” tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vở “Người đi dép cao su” tái hiện hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dựa trên kịch bản của nhà văn Algeria Kateb Yacine, biên tập và đạo diễn TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng, vở kịch mang đến cái nhìn đầy nhân văn và nghệ thuật về những mốc son lịch sử, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, những năm tháng Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài, đến chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu... Với phong cách dàn dựng hiện đại, vở diễn không chỉ là những hồi tưởng lịch sử mà còn là lời nhắc về niềm tự hào dân tộc, về giá trị của sự hy sinh và lòng yêu nước.

“Người đi dép cao su” sẽ được biểu diễn vào 20h ngày 16/5 tại Nhà hát Kịch Việt Nam, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Còn vở diễn “Đêm trắng” của cố tác giả Lưu Quang Hà, được đạo diễn, NSND Xuân Bắc dàn dựng với sự thể hiện của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, cũng là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nhà hát. Vở diễn đã được trao Huy chương vàng vở diễn và 3 Huy chương vàng cho diễn viên tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024.

Vở kịch "Đêm trắng" khắc họa chân dung vị lãnh tụ vĩ đại, cũng là lời nhắc nhở về giá trị đạo đức, tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Vở kịch "Đêm trắng" khắc họa chân dung vị lãnh tụ vĩ đại, cũng là lời nhắc nhở về giá trị đạo đức, tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Đây là tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật trong thập niên 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.

“Đêm trắng” sẽ được công diễn vào 20h các tối 18/5, 19/5 và 24/5 tại Nhà hát Kịch Việt Nam, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, và 8h30 sáng 20/5 tại Rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, Hà Nội.