Nhiều ngành tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong quý I/2025
Dự báo, quý I/2025, lợi nhuận các ngành: Ngân hàng tăng 15%, Bất động sản tăng 719%, Bất động sản Khu công nghiệp tăng 61%... so với cùng kỳ năm 2024.
Tín dụng bứt tốc
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong quý I/2025 được dự báo tăng khoảng 15% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng toàn ngành khả quan, dự báo đạt khoảng 1-2% so với đầu năm. Tính đến ngày 12/3/2025, tín dụng đã tăng 1,24% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2024 chỉ đạt 0,26%.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16% của Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2024, chủ yếu ở nhóm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở quanh mức 15-16%, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 5%-10%.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngân hàng đặt mức tăng trưởng tín dụng cao bao gồm: Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) mục tiêu tăng trưởng tín dụng 26% so với năm 2024; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HOSE: HDB) mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25-26%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20-25%; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE:VIB) kế hoạch tăng trưởng tín dụng 21,9%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20%...
MBS nhận định, chi phí trích lập của các ngân hàng sẽ giảm so với quý IV/2024 và tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ có mức tăng cao hơn do chất lượng tài sản suy giảm nhiều hơn nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh.
Thu nhập ngoài lãi sẽ phân hóa, với kỳ vọng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh có mức tăng khả quan hơn nhờ hoạt động thu phí từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn được duy trì.
Bất động sản tăng mạnh, hút dòng tiền
Ngành Bất động sản tiếp tục duy trì đà bàn giao và ghi nhận ở các dự án, lợi nhuận tăng mạnh từ nền thấp năm ngoái. Tại TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất trở nên hạn chế ở các khu đô thị đã phát triển, kéo theo giá bán đất trung bình của các sản phẩm Bất động sản liền thổ tăng vọt, đồng thời dẫn đến chuyển dịch xu hướng nguồn cung sang các khu vực xa hơn, điển hình như nguồn cung dồi dào hơn tại khu vực phía Đông TP. Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức.
Tại Hà Nội, dự kiến nguồn cung đất liền thổ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, tập trung tại khu vực ngoại thành như Đông Anh và Gia Lâm, đi kèm với đó là giá cả vẫn tăng nhờ hạ tầng phát triển. MBS cho rằng, trong quý I/2025, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến đều có sự cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động bàn giao sản phẩm tốt hơn.
Trong khi một số doanh nghiệp Bất động sản phía Nam dự kiến bàn giao phần còn lại của một số dự án cao tầng (Privia - KDH, Akari - NLG) hay số ít sản phẩm Bất động sản liền thổ (Gem Sky World - DXG) giúp kết quả chỉ cải thiện từ mức nền thấp, thậm chí âm (NLG) của năm ngoái; thì VHM lại được kỳ vọng tìm kiếm động lực tăng trưởng lợi nhuận đột biến trên nền cũ phần lớn nhờ ghi nhận bàn giao một số dự án khu vực phía Bắc như Royal Island, Ocean Park 2 - 3 hay Golden Avenue.
Bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI trở lại
Sau khi tăng trưởng chậm vào cuối 2024, dòng vốn FDI đang tăng trở lại trong đầu năm 2025 với FDI đăng ký và giải ngân tăng trưởng lần lượt 35,5% và 5,4% so với cùng kỳ. MBS kỳ vọng, dòng vốn FDI trong năm 2025 tiếp tục là điểm sáng nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc+1” khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp Bất động sản Khu công nghiệp có sự phân hóa do thời điểm bàn giao đất khác nhau giữa các công ty. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) và CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) có thể ghi nhận lợi nhuận cao nhờ bàn giao đất cho khách hàng lớn (KBC bàn giao 30 ha đất cho Goertek, SZC bàn giao 18 ha đất cho Tripod Việt Nam). Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC) có thể ghi nhận lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ do không còn lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng đất. Còn với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM), các quý đầu năm thường ghi nhận lợi nhuận thấp.