Nhiều “ông lớn” hàng xa xỉ thiệt hại nặng nề vì Covid-19

Theo Bloomberg

Sự lây lan chóng mặt của virus corona đang khiến các ông lớn hàng xa xỉ lao đao và tìm cách chuyển chiến lược kinh doanh, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sự lệ thuộc quá mức vào chi tiêu của khách hàng Trung Quốc khiến ngành hàng "sang chảnh" với quy mô 300 tỷ USD đang phải trả giá đắt.
Sự lệ thuộc quá mức vào chi tiêu của khách hàng Trung Quốc khiến ngành hàng "sang chảnh" với quy mô 300 tỷ USD đang phải trả giá đắt.

Mặc dù sức mua sắm của khách hàng Trung Quốc được coi là một động lực mạnh mẽ của các hãng sản xuất hàng xa xỉ, nhưng các thương hiệu danh tiếng không nên bỏ qua những khách hàng ở khu vực lân cận.

Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV), mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đặt tên chính thức là Covid-19, diễn biến phức tạp, các "ông lớn" hàng xa xỉ rất khó bán hàng. Việc tiêu thụ những chiếc túi xách đắt tiền gặp không ít khó khăn.

Sự lệ thuộc quá mức vào chi tiêu của khách hàng Trung Quốc khiến ngành hàng "sang chảnh" với quy mô 300 tỷ USD đang phải trả giá đắt. Điều đó đã thể hiện rõ trong ngày 7/2 vừa qua, khi ông lớn thời trang Burberry của Anh cho biết họ không thể giữ nguyên dự báo tài chính trước đó vì sự bùng phát của virus corona.

Chỉ 2 tuần trước, Burberry còn chưa thực sự quan tâm tới sự gián đoạn ở Hong Kong (Trung Quốc), vẫn nâng triển vọng tăng trưởng doanh số (sau khi loại trừ biến động tiền tệ) thêm 1 điểm phần trăm, đồng thời dự báo rằng lợi nhuận hoạt động sẽ ổn định trên diện rộng cho đến tháng 3/2020. Đến ngày 7/2, hãng thời trang này đã phải hạ dự báo lợi nhuận năm nay.

Burberry bị tác động nặng nề từ sự lây lan của virus corona bởi khoảng 40% doanh số của công ty do người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp. Con số này còn cao hơn mức 35% của toàn ngành, theo ước tính của Bain & Co.

Do đó, việc đóng cửa một vài cửa hàng tại Trung Quốc đại lục và giảm bớt giờ làm ở một số cửa hàng khác đã tác động đáng kể đến các "ông lớn" hàng xa xỉ.

 

Vẫn còn quá sớm để biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao đối với Burberry và toàn ngành hàng xa xỉ, nhưng một bài học lớn đã được rút ra là: Mặc dù người mua hàng Trung Quốc là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành, nhưng không thương hiệu nào nên bỏ bê khách hàng ở gần quê nhà và ở những nơi khác trên thế giới. Khi thị trường Trung Quốc sụp đổ vào năm 2015 và 2016, tất cả doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng xa xỉ đều hướng sang người mua sắm ở các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ.

Cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Burberry, hãng Prada SpA của Italia cũng gặp nguy cơ vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhà sản xuất túi xách xa xỉ này đã phải đóng cửa một số cửa hàng ở Trung Quốc đại lục và Macau.

Thương hiệu thời trang Gucci – vốn tạo ra 60% doanh thu và 80% lợi nhuận hoạt động của công ty mẹ Kering SA – đã gây ấn tượng mạnh với giới mua sắm Trung Quốc trong mấy năm qua. Áo phông Gucci được ưa chuộng tại các thành phố lớn của Trung Quốc, từ Thượng Hải đến Bắc Kinh. Song, khi dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát tại Trung Quốc, doanh số bán hàng của Gucci cũng lao dốc.

Danh sách các công ty xa xỉ khác phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Hong Kong vẫn còn dài, trong đó có Swatch Group AG, Richemont... Xét về sự phụ thuộc của toàn bộ ngành hàng xa xỉ vào chi tiêu lớn của khách hàng Trung Quốc, không có thương hiệu lớn nào hoạt động tại Trung Quốc có thể miễn nhiễm với Covid-19.

Theo các nhà phân tích tại Jefferies, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu có thể chỉ tăng trưởng 1% trong năm 2020. Trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành này lạc quan với mức tăng trưởng 5%. Dự báo, nhu cầu của người dân Trung Quốc sẽ giảm 20%.