Chặn nguồn hàng hiệu giả từ Trung Quốc

Theo baohaiquan.vn

Nhiều container hàng giả nhãn hiệu cao cấp được vận chuyển vào Việt Nam qua loại hình hàng quá cảnh đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng bị cơ quan Hải quan bắt giữ tại cảng Cát Lái. Nguồn: PV.
Hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng bị cơ quan Hải quan bắt giữ tại cảng Cát Lái. Nguồn: PV.

Hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng

Ngày 3/7, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) – Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với  Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện quyết định khám xét đối với các container hàng quá cảnh từ Trung Quốc về cảng Cát Lái -TP.HCM đi Campuchia trong diện nghi vấn.

Trước đó, ngày 21/6/2017, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành khám lô hàng chứa trong 1 container 40 feet do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ XNK và Du lịch Việt Trấn (MST 0303310272) đăng ký mở tờ khai vận chuyển độc lập số 500089082920 ngày 16/6/2017 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực  1. Lô hàng trên được vận chuyển từ Quảng Châu - Trung Quốc về Việt Nam qua cảng Cát Lái- TP.HCM rồi vận chuyển bằng đường bộ sang Campuchia.

 Kết quả khám xét phát hiện có nhiều hàng hóa giả mang các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký kiểm soát biên giới và bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, gồm: Trên 21.000 bộ quần áo giả nhãn hiệu Adidas, Nike, Puma; trên 1.000 đôi giầy Converse; hàng trăm túi xách thời trang, linh kiện điện thoại iPhone, iPad các loại. Ngoài ra còn có 4.000 bao thuốc lá mang nhãn hiệu Juangha - China là mặt hàng phải có giấy phép đối với hàng quá cảnh.

Tiếp đó, ngày 29/6, kiểm tra lô hàng của Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ vận tải Anh Khoa, lực lượng Hải quan phát hiện trong container có chứa một lượng lớn quần áo, giày, phụ kiện thời trang, túi xách, linh kiện điện thoại, mang các nhãn hiệu thời trang cao cấp như: Adidas, Gucci, Chanel, Hermes... Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù các lô hàng giả nhãn hiệu này được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng trên một số sản phẩm lại được ghi nhãn Made in Viet Nam.

Chặn nguồn hàng hiệu giả từ Trung Quốc - Ảnh 1
Hàng nghìn sản phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng bị cơ quan Hải quan bắt giữ tại cảng Cát Lái.

Mở rộng kiểm tra

Từ thực tế trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tây Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Lạng Sơn chuyển toàn bộ các lô hàng quá cảnh từ  Trung Quốc qua Việt Nam đang ở cửa khẩu đã mở tờ khai, chưa mở tờ khai hải quan và những lô hàng đang trên đường tới cửa khẩu vào diện kiểm tra thực tế; giao Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch, phối hợp đơn vị để kiểm tra xử lý các lô hàng vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ngày 27/6/2017, tại cửa khẩu Xa Mát- Tây Ninh,  Đội 4 Cục Điều tra chônống buôn lậu đã tiến hành kiểm tra trọng điểm container 20 feet của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ XNK và Du lịch Việt Trấn mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 1 đến cửa khẩu Xa Mát, phát hiện chứa nhiều hàng vi phạm. Theo khai báo, hàng hóa gồm 456 thùng máy in và phụ kiện máy in xuất xứ Hồng Kông hàng mới 100%. Kiểm tra thực tế, ngoài máy in theo khai báo còn có máy scan, máy in đa chức năng mang nhãn hiệu Canon, HP, EPSON xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc, Korean, Phillipines…

Tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra trọng điểm 17 container. Kết quả kiểm tra phát hiện trong 2 container chứa nhiều túi xách nhãn hiệu  Guci, Coach, COGCI (Made in China); túi giả kiểu dáng Louis Vuitton; các túi xách tay không tem mác, nhãn hiệu, bên trong có kèm theo ví, khóa ví hình chữ H nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Hermes. Và mặt hàng không khai báo hải quan gồm: 12 can dung môi mực in, 300 hộp sữa làm trắng da, 6 hộp sữa bột Fri Gold.  Đến thời điểm hiện tại tất cả hàng hóa trên các container quá cảnh đã được thông quan, ngoại trừ một số hàng hóa vi phạm Chi cục Hải quan Hữu Nghị đã ra quyết định tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong nửa đầu năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà còn được đưa về tận các chợ nông thôn. Hàng giả được sản xuất ở nước ngoài, sản xuất trong nước với kỹ thuật rất tinh vi, khó phát hiện được nhập lậu qua các đường mòn lối mở, lợi dụng nhập lậu qua đường chính ngạch về Việt Nam tiêu thụ… đang là vấn đề lớn thách thức cơ quan quản lý Nhà nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, người tiêu dùng- ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết.