Nhiều quy định mới tăng tính chủ động cho doanh nghiệp có vốn nhà nước
Dự thảo Luật Quản Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được rà soát, hoàn thiện với nhiều nội dung thay đổi mạnh mẽ so với Luật trước đây. Nhiều quy định mới đã được đề xuất nhằm tăng sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bao quát quản lý và đầu tư vốn nhà nước
Dự thảo Luật đã kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2, nhưng không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty TNHH.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại phiên họp chiều 17/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có có 09 chương 63 điều, tăng 01 chương, 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KTTC và Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý, quy định rõ đối tượng áp dụng dự thảo Luật bao gồm các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, tổ chức tín dụng được định nghĩa là tổ chức kinh tế, được thành lập, tổ chức dưới hình thức là công ty cổ phần/công ty TNHH một thành viên/hợp tác xã.
Đồng thời, quy định Ngân hàng chính sách không thuộc đối tượng áp dụng của Luật do Ngân hàng chính sách do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành (Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Thường trực Ủy ban KTTC và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Dự thảo Luật đã kế thừa Luật số 69 về việc doanh nghiệp F1 quản lý doanh nghiệp F2 có vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng có nhiều quy định về quản lý doanh nghiệp F2, nhưng không quy định đối tượng áp dụng gồm người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty TNHH.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung những lĩnh vực nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước gồm: doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ.
Phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp
Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt mục tiêu, định hướng, một số chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược kinh doanh 5 năm và một số chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty ban hành chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Quy định như trên đã thay đổi căn bản so với Luật số 69, phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 05 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm. Từ đó, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.
Khắc phục hạn chế của Luật số 69 và tăng cường phân cấp quyết định đầu tư, bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư dự án sau khi cấp có thẩm quyền quyết định/phê duyệt chủ trương đầu tư mà không phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt trường hợp vượt thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty.
Ngoài các trường hợp thuộc diện quyết định/phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư, dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty. Theo đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư từ dưới 50% vốn chủ sở hữu nhưng không quá mức cụ thể do Chính phủ quy định. Quy định này nhằm đảm bảo linh hoạt, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời kỳ.
Về tiền lương, thù lao, tiền thưởng, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH và doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người lao động; quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác theo Điều lệ doanh nghiệp hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp.
Quy định nêu trên phù hợp với Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó xác định thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của doanh nghiệp.