Nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế

Theo Thy Thơ (NLĐ)

Điều mà chúng ta cần lưu ý là giá dầu thô, giá lương thực thực phẩm tăng đột biến, tỉ giá hối đoái có thể tăng làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu nên tác động đến lạm phát. Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khi trao đổi xoay quanh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2010.

 Thưa ông, năm 2009, chúng ta đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế. Năm 2010, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế VN?

Đúng vậy! Năm 2009, tăng trưởng kinh tế VN đạt 5,3% có sự đóng góp 1,3% của việc giảm nhập siêu. Như vậy, tăng trưởng GDP thực chỉ 4%.
Năm 2010, Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% nhưng nhập siêu tăng khoảng 20%-25%, tức là giảm trừ vào GDP 1,5%. Nói cách khác muốn có GPD 6,5% thì GDP thực phải tăng trưởng 8%, gấp đôi năm 2009 là rất khó khăn. Điều này đòi hỏi chính sách tài khóa và tiền tệ phải thay đổi.

Nền kinh tế VN đi lên hay không phụ thuộc vào đầu tư của Chính phủ, đầu tư nước ngoài và khối doanh nghiệp (DN) tư nhân. Thế nhưng năm 2010, đầu tư của Nhà nước giảm 20.000 tỉ đồng so với năm trước, trong khi đầu tư của năm 2009 chỉ giải ngân được 50% so với dự kiến ban đầu.

Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tăng lên nhưng rất chậm, còn đầu tư vào khu vực DN tư nhân đã giảm từ quý III/2009. Nếu đầu tư khu vực DN tư nhân không tăng lên thì nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế năm 2010 là hết sức khó khăn. Đó là một thách thức lớn của kinh tế vĩ mô và cũng là một thách thức đối với chính sách tài khóa và tiền tệ.

Quan điểm của ông thế nào khi nhiều người lo ngại lạm phát gia tăng?

Hiện cung tiền rất thấp bởi Ngân hàng (NH) Nhà nước đã bán hàng tỉ USD để hút VNĐ về, đồng thời tiền dự trữ của các NH và tiền dự trữ của NH thương mại tại NH Nhà nước gần như không tăng nên các yếu tố này ảnh hưởng không đáng kể đến lạm phát.

Điều mà chúng ta cần lưu ý là giá dầu thô, giá lương thực thực phẩm tăng đột biến, tỉ giá hối đoái có thể tăng làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu nên tác động đến lạm phát. Năm 2010, GDP tăng trưởng 6,5%, lạm phát tăng lên 8%/năm là bình thường.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô là tỉ giá hối đoái. Vậy thị trường ngoại tệ sẽ diễn biến như thế nào?

Thanh khoản ngoại tệ và tỉ giá hối đoái là vấn đề lớn của kinh tế vĩ mô. Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ giá là lãi suất. Cụ thể, năm 2009, VNĐ được hỗ trợ 4% lãi suất nhưng không hỗ trợ lãi suất cho ngoại tệ khiến lãi suất USD thấp so với VNĐ là nguyên nhân làm thanh khoản ngoại tệ suy yếu và tỉ giá tăng.

Mặt khác, do tỉ giá cứng nhắc trong thời gian dài nên người dân kỳ vọng tỉ giá tăng lên dù số lượng USD tại VN không nhỏ. Khi đó, một lượng lớn USD sẽ bị đẩy ra khỏi lưu thông, đi vào ngăn kéo người dân và nằm bất động trên tài khoản của DN. Việc tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm 2009 là để hỗ trợ cho VNĐ khi mà trước đó tỉ giá đã được tăng lên.

Năm 2010, VN bãi bỏ hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động nhưng tiếp tục hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn trung dài hạn và khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, hai khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn của nền kinh tế nên thanh khoản ngoại tệ vẫn còn khó khăn. Do đó, Chính phủ phải làm thế nào để thị trường không còn kỳ vọng tỉ giá tăng lên.

Nếu chính sách lãi suất, tỉ giá hợp lý thì số ngoại tệ đang bị găm giữ sẽ đi vào lưu thông, thanh khoản ngoại tệ sẽ được giải quyết.

Thế còn thị trường tín dụng?

Do lãi suất huy động kém hấp dẫn, nguồn vốn hạn hẹp, một số ngân hàng rút tiền về để cho NH bạn vay với lãi suất cao hơn, cạnh tranh từ thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ; đặc biệt tín dụng đen bắt đầu bùng phát nên thị trường tín dụng có xu hướng giảm mạnh. Hiện có đến 60% DN sống bằng vốn tự có và vốn vay từ tín dụng đen với lãi suất 4%/tháng.

Điều kỳ lạ là các nhà hoạch định chính sách e ngại các NH chạy đua lãi suất nên đã cào bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Việc khống chế lãi suất đầu vào và đầu ra theo lãi suất cơ bản được cho là một thất bại mà khủng khoảng tài chính toàn cầu mang đến cho VN. Vì thế, việc thay đổi quy định về lãi suất cơ bản là hết sức cần thiết.