Nhiều tín hiệu khả quan về tăng trưởng kinh tế 2019
Dù thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái nhưng những thống kê của kinh tế quý I/2019 vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan về mức tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Các tổ chức quốc tế đang có những dự báo tích cực về tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam, đồng thời có những khuyến cáo về những khó khăn để kinh tế Việt Nam chủ động ứng phó, đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.
Đà tăng trưởng tốt từ quý I/2019
Năm 2018 được đánh giá là năm tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố “đặc thù”. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yếu tố “đặc thù” được thể hiện ở mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt cao nhất trong 10 năm do gặp thuận lợi trong tất cả các mặt, trong đó động lực chính là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt.
Với đà tăng trưởng đó, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, kể cả khi gặp một số yếu tố không còn thuận lợi thì quý I/2019 vẫn tăng trưởng 6,79% là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2009 - 2017.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam thừa nhận rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ chính là những động lực của tăng trưởng trong quý I/2019 của Việt Nam. Ở phía cầu, sức tiêu dùng mạnh và đầu tư trong nước đã giúp duy trì động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó, ông Cường đánh giá, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, tín dụng được kiểm soát đã góp phần rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm nay.
Lạc quan cho kinh tế 2019
Theo một số chuyên gia, nhờ những thuận lợi từ kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2018 mà nền kinh tế những tháng đầu năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Và những tín hiệu khả quan này sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tiếp theo của năm 2019.
Theo Báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì mức trên 50 điểm. Các nhà sản xuất cho rằng, sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Trong quý I/2019, Tổng cục Thống kê cũng thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả điều tra cho thấy, đa số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Đặc biệt, các DN lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2019 với 89,4% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và ổn định, trong khi chỉ số này quý I/2019 là 74,2%.
Song, ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo, sự tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp… sẽ là những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam cần phải khắc phục để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt 6,8% trong năm 2019 và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao do vẫn được hỗ trợ ở cả phía cung lẫn cầu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong những quý còn lại của năm 2019 là sức cầu thương mại toàn cầu sẽ trở nên yếu hơn, cùng với sự giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của các nền kinh tế lớn - những đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Khuyến cáo về những khó khăn mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt, ông Eric Sidgwick cho rằng, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay, đặc biệt là việc duy trì lạm phát thấp và tăng cường kỷ luật tài khóa.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải tiếp tục đẩy mạnh những cải cách quan trọng như cổ phần hóa DN nhà nước, cải cách khu vực tài chính - ngân hàng...
Mặt khác, ADB cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải củng cố và đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tăng cường các mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước để đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.