Nhiều tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán 2014
(Tài chính) Ngày 2/4, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra hội thảo đầu tư năm 2014 với chủ đề Cơ hội sau khủng hoảng, do Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức. Các chuyên gia kinh tế đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho nhà đầu tư, trong đó có nhiều tín hiệu tốt từ nền kinh tế.
Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2014, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tốt đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho biết, năm 2014 được đánh giá là năm có nhiều cơ hội bứt phá cho kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng khi nền kinh tế có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhất là con số tăng trưởng trong quý I/2014. Thị trường tín dụng, lạm phát và tỷ giá ở mức ổn định.
Ông Thành cho biết, một loạt các tín hiệu, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2014 được triển khai, đó là: đầu tư công, bắt đầu đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ, với chỉ tiêu năm 2014 là 10 tỷ USD, tạo động lực cho thị trường. Song song với đó, Chính phủ chỉ đạo khởi động lại các dự án đầu tư công. Về mặt tín dụng, ngân hàng đã thực hiện hạ lãi suất huy động xuống mức trần 6%/năm và tập trung xử lý nợ xấu.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân SSI cho rằng, kinh tế Việt nam đang dần hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhích dần trong khi lạm phát được kiểm soát. Kinh tế 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU và Mỹ (chiếm 36% tổng xuất khẩu) đang tăng trưởng tốt. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào EU và Mỹ đều là +20%, cao hơn mức trung bình +15,4%.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Việt Nam đang gần tiến tới Hiệp định thương mại TPP, FTA với EU và nhóm Nga, Belarus, Kazakhstan, đây là những nhân tố tiếp tục thúc đẩy thương mại và FDI.
Cán cân thanh toán thặng dư giúp tỷ giá VNĐ ổn định, đối lập với sự mất giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đạt được bước tiến đáng kể. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang tăng tốc.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, thị trường đầu tư tiếp tục xu hướng tăng cả về giá lẫn thanh khoản, cổ phiếu đầu tư đã có giai đoạn tích lũy về giá, có tín hiệu tăng giá vượt vùng tích lũy với dòng tiền giao dịch tăng.
Các chuyên gia cho rằng, cổ phiếu có đà tăng trưởng mạnh nhất là động lực kéo thị trường tăng trưởng, khi cổ phiếu đang có đà tăng trưởng mạnh thì mua cao sẽ bán được cao hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, một khía cạnh quan trọng của mô hình tăng trưởng cũ là tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư và đầu tư được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ tín dụng ngân hàng, nhưng hiệu quả ngày một thấp, dẫn tới các mất cân đối vĩ mô và vòng xoáy luẩn quẩn về nới lỏng tiền tệ - tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng.
Một năm sau nỗ lực của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế, tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP đã giảm từ mức bình quân 39% trong giai đoạn 2005-2010 xuống còn 30,4% năm 2013. Đi liền với xu hướng giảm đầu tư tương đối này là tín dụng cũng giảm so với quy mô của nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng ngân hàng so với GDP đã giảm từ đỉnh cao 136% vào năm 2010 xuống dưới 100% năm 2013.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, tư vấn trực tiếp cho các nhà đầu tư, với việc cung cấp các thông tin liên quan đến các thị trường, cổ phiếu niêm yết… nhằm định hướng đầu tư một cách hiệu quả và thiết thực, đặc biệt trong giai đoạn có nhiều biến động như hiện nay.