Nhìn lại kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 và động lực năm 2025


Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trước những biến động nhanh, bất thường trong khu vực và trên thế giới, cũng như trước những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân ở nước ta. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.

Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2024 tăng 7,55%, trong đó: Khu vực I tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Khu vực II tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; Khu vực III tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.

Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09%, trong đó: Khu vực I tăng 3,27%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; Khu vực II tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; Khu vực III tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Khu vực I: Hoạt sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, đạt 3,27%, trong đó sản xuất nông nghiệp tăng 2,94%, sản xuất lâm nghiệp tăng 5,03%, khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 4,03%.

Khu vực II: Ngành công nghiệp quý IV đạt mức tăng trưởng khá, tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại so với các quý trước đó do sản xuất công nghiệp đã phục hồi vào những tháng cuối năm 2023. Tính chung năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%; ngành cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43% và ngành khai khoáng giảm, chỉ đạt 92,76%. Ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực, giá trị tăng thêm năm 2024 tăng 7,87%.

Khu vực III năm 2024 có mức tăng trưởng tốt đạt 7,38% tiếp tục đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế (cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023).

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, xu hướng phục hồi rõ nét hơn nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Các tổ chức như OECD, IMF và EU nhận định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2025 tăng nhẹ hoặc ổn định ở mức 3,2%-3,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều rùi ro thách thức như xung đột và căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu do bất ổn địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 ở mức  từ 6,1%-6,6%. Trong nước, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Một số thuận lợi cho kinh tế Việt Nam năm 2025

Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA. Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ

Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA)

Đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ.

Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển.

Những khó khăn, thách thức kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2025

Rủi ro, thách thức của kinh tế toàn cầu, quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam cả ở tầm vĩ mô và vi mô (chính sách vĩ mô của nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp, các thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa, lao động v.v…)

Thể chế pháp lý đang được hoàn thiện nhưng còn chậm và nhiều chính sách còn chưa có sự ổn định, chồng chéo, dẫm chân nhau.

Động lực truyền thống chưa được làm mới, các điểm nghẽn đầu tư đang được nhận diện và xử lý nhưng hiệu quả chưa cao

Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng.

Các yếu tố tác động tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng như sau:

Kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hoá và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bổi cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường. Đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tiếp nhận, đối thoại về những vấn đề, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong đó có thị trường tín dụng, thị trường bất động sản. Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo, thông điệp quan trọng về bảo đảm các cân đối lớn, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Công tác truyền thông chính sách được thực hiện thường xuyên, tích cực, hiệu quả, qua đó giúp củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp bán dẫn là mục tiêu chiến lược, không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như thương mại điện tử, chế biến chế tạo, logistics, mà còn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Tận dụng các hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, thị trường Hala; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới

Đầu tư công được tăng cường thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ đã chỉ rõ kế hoạch Đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội… Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.

Nhìn lại thời kỳ phát triển của đất nước hơn 40 năm qua, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới kinh tế năm 1986, có một thời kỳ dài 5 năm từ 1992-1996 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất cao, bình quân đạt 8,8%/năm. Đó là những năm đất nước dần thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái kéo dài và bật nhanh do những đột phá về tư duy, cởi trói cho hoạt động sản xuất, chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và bắt đầu bước ra thế giới. Tính từ năm 2011 trở lại đây, chỉ duy nhất năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt nam đạt 8,54% do nền năm 2021 tăng thấp và bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 GDP tăng 2,55%). Như vậy, trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới, diễn biến và nội lực của kinh tế Việt Nam những năm qua, mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ đặt ra là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế, chính sách; đột phá về cấu trúc kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đầu tư; khai thác tốt tiềm năng nội tại và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế v.v…

Một số giải pháp 

Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Hai là, Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản…

Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Theo gso.gov.vn