Nhu cầu làm mát tăng cao, thách thức các mục tiêu phát thải

Xuân Trường

Cùng với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh của Việt Nam, thời tiết nắng nóng đang khiến cho các thành phố ở nước ta chứng kiến mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh. Một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng này là nhu cầu làm mát, đặc biệt là điều hòa không khí, được dự đoán sẽ còn tăng trong những năm tới. Nhu cầu này đặt ra thách thức đáng kể đối với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.

Hệ thống điều hòa không khí có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát thải của Việt Nam. Ảnh: Nguồn Internet.
Hệ thống điều hòa không khí có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát thải của Việt Nam. Ảnh: Nguồn Internet.

Nhu cầu làm mát và tác động với môi trường

Khoảng một nửa năng lượng toàn cầu được sử dụng để sưởi ấm và làm mát. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cam kết tuân thủ Nghị định thư Montreal, nhằm giảm thiểu tác động của nhu cầu làm mát ngày càng tăng.

Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài làm gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tuy nhiên, việc làm mát không đảm bảo các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị cũng sẽ làm gia tăng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị làm mát không được thực hiện đúng quy định có thể gây ra việc rò rỉ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Các chất này khi phát thải trực tiếp vào khí quyển sẽ góp phần làm gia tăng nhiệt độ trái đất.

So với các nước trong khu vực, lượng khí thải đô thị của Việt Nam tương đối thấp. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần xem xét tích hợp các hệ thống năng lượng đô thị và sử dụng năng lượng tái tạo, khí đốt, hydro và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả nhất có thể.

Điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý điều hòa không khí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát thải, do đó, cần cải thiện các tiêu chuẩn xây dựng và sử dụng những vật liệu làm mát tốt hơn. Hiện nay, công nghệ không phải là trở ngại đáng kể, nhưng cần có nhiều quy hoạch tại các thành phố hơn, chẳng hạn như quy hoạch xây dựng, quy hoạch năng lượng và quy hoạch làm mát nhằm tạo ra giải pháp làm mát bền vững tại khu vực đô thị. Làm mát hiệu quả, bền vững tại các đô thị có thể giúp xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các mục tiêu năng lượng tái tạo, giảm phát thải

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện phục vụ làm mát góp phần không nhỏ vào thách thức trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam khiến cho tổng mức tiêu thụ năng lượng nước ta đã tăng 147% trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2019). Vào năm 2022, tỷ lệ phát thải của ngành năng lượng là 77% trong tổng lượng phát thải của Việt Nam.

Do đó, nhằm giảm phát thải trong sản xuất điện, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng mục tiêu công suất tái tạo phi thủy điện trong quy hoạch phát triển điện, từ 9,4% lên 21% tổng công suất lắp đặt vào năm 2030 và giảm tỷ trọng công suất đốt than từ 52% xuống 43%.  Trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, hơn một nửa lượng giảm phát thải sẽ đến từ lĩnh vực này.

Với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có xét đến năm 2050, tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) trong tổng điện năng sản xuất của quốc gia phải đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050. Trong PDP7 điều chỉnh, các nguồn điện năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, và điện sinh khối) sẽ chiếm 21% tổng công suất nguồn điện của quốc gia vào năm 2030.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị có quy định, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.

Một quá trình chuyển đổi phức tạp nhưng cần thiết

Quá trình chuyển đổi của Việt Nam theo hướng phát thải thấp hơn và cơ cấu năng lượng bền vững hơn là một nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi phải lập kế hoạch chiến lược, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thay đổi mô hình tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là ở khu vực đô thị. 

Những cam kết quốc tế và các sáng kiến ​​​​trong nước cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhu cầu làm mát ngày càng tăng ở các khu vực đô thị đặt ra một thách thức đáng kể phải được giải quyết một cách toàn diện, xem xét cả khía cạnh công nghệ và hành vi sử dụng năng lượng cũng như những chiến lược quy hoạch tổng thể, cả về xây dựng và năng lượng.