Nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng cao
Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng nhiều, đặc biệt, ở TP Hà Nội nhưng nguồn cung đáp ứng không đủ và vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Tại các thành phố có lực lượng lao động trẻ đông, dân nhập cư lớn như Hà Nội, nhu cầu nhà ở rất cao. Đầu năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở khoảng 1,2 triệu người; dự kiến đến năm 2020, sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.
Theo Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia, đến năm 2020, cả nước phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn. Tuy vậy, việc triển khai trên thực tế đang gặp khó khi đến thời điểm này mới đạt 33% kế hoạch.
Tại Hà Nội, theo Quyết định 6336/QĐ-UBND ngày 28/11/2014 của UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch Phát triển nhà ở thành phố năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016 - 2020), thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đầu tư xây dựng gần 6,4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với tổng cộng 6 dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại (dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020), Hà Nội còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Tại một hội thảo về giải quyết vấn đề nhà ở xã hội mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh, ước tính, 1 triệu dân đô thị tăng mỗi năm. Đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở tăng, đối tượng tìm kiếm nhà ở giá bình dân, vừa túi tiền cũng tăng theo. Tại hai thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều thiếu hụt nghiêm trọng.
Cần có giải pháp cụ thể
Việc triển khai phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các cấp, Bộ ngành, địa phương và người dân. Tuy vậy, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn hạn chế do nguồn vốn, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhất là quỹ đất, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa phát triển, tâm lý của người mua là sở hữu thay vì thuê, một số chính sách phát triển còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch, kế hoạch, điều quan trọng nhất là Nhà nước cần khơi thông nguồn vốn cho thị trường.
Ông Nam cũng kiến nghị, việc đầu tiên cần làm là đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch, kế hoạch. Cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Bên cạnh đó, khơi thông nguồn vốn cho thị trường. Về lâu dài, cần có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn, cũng như hỗ trợ ưu đãi nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỉ đồng) tương tự như Nghị quyết 02 của Chính phủ trước đây đã rất thành công.
Ngoài ra, cần phát triển nhà ở cho thuê, tuy nhu cầu về nhà ở là rất lớn nhưng thực tế, giá nhà ở tại các thành phố lớn vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân khiến việc tiếp cận nhà ở của những người có thu nhập trung bình và những người trẻ tuổi còn nhiều hạn chế.
Người dân cũng cần thay đổi tư duy sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà). Với những người trẻ, chưa có nhiều tích lũy có thể cân nhắc, không nên dốc hết tiền mua mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình. Đây là xu hướng chung trên thế giới và cũng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.