Nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu năm 2022 đạt 4.741 tấn, cao nhất kể từ năm 2011


Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu vàng toàn cầu năm 2022 đạt mức ấn tượng một phần đến từ nhu cầu cao kỷ lục ở quý IV. Nhìn chung, sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu được thúc đẩy bởi việc mua vào và tích trữ của các ngân hàng trung ương, cũng như nhu cầu đầu tư cá nhân mạnh mẽ và ổn định.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý IV/2022 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, từ 8,5 tấn lên 13,5 tấn. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, cũng như nhu cầu trang sức. 

Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9,0 tấn trong quý IV/2022, tăng 48% so với 6,1 tấn của cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, nhu cầu trang sức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021, từ 2,5 tấn lên 4,5 tấn vào quý IV/2022.

Ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết: “Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vưc ASEAN vào năm 2022, với mức tăng 37% so với năm 2021.

Đồng thời, Việt Nam cũng dẫn đầu về nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - mức cao nhất trong 14 năm qua.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng địa phương trong quý IV; mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về sự tăng trưởng của GDP".

Nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu năm 2022 đạt 4.741 tấn, cao nhất kể từ năm 2011 - Ảnh 1

 

Trên toàn cầu, nhu cầu trong năm của ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp đôi, từ 450 tấn trong năm 2021 lên 1.136 tấn vào năm 2022, đạt mức cao kỷ lục mới trong 55 năm qua. Chỉ riêng lượng mua trong quý IV/2022 đã đạt 417 tấn, nâng tổng lượng mua trong nửa cuối năm 2022 lên hơn 800 tấn.

Nhu cầu đầu tư (không bao gồm thị trường OTC) năm 2022 đã tăng 10% so với năm trước. Hai yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư trong năm 2022 bao gồm, sự sụt giảm đầu tư từ Quỹ ETF và nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào vàng thỏi và vàng xu.

Vàng thỏi và vàng xu vẫn tiếp tục được ưa chuộng với các nhà đầu tư tại một số quốc gia trên thế giới, điều này giúp bù đắp sự suy giảm về nhu cầu tại Trung Quốc. 

Tổng mức đầu tư cho vàng thỏi và vàng xu tại châu Âu trong năm 2022 đã vượt 300 tấn, trong đó phải kể tới nhu cầu cao và ổn định tại Đức. Trung Đông cũng chứng kiến một sự tăng trưởng đáng kể, khi nhu cầu trong năm tăng 42% so với năm 2021.

Nhu cầu trang sức suy giảm nhẹ trong năm 2022, giảm 3% xuống còn 2.086 tấn. Sự suy giảm này được lý giải bởi sự sụt giảm 15% nhu cầu trang sức tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự phục hồi của giá vàng trong quý IV/2022 cũng góp phần vào sự sụt giảm nhu cầu trang sức.

Tổng nguồn cung vàng năm 2022 vẫn trên đà tăng trưởng, hiện tăng 2% so với năm 2021, đạt mức 4.755 tấn và vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Trong đó, sản lượng khai thác mỏ đạt mức 3.612 tấn - mức cao nhất trong 4 năm qua.

Bà Louise Street - Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận xét: "Năm ngoái, chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu vàng hàng năm đạt mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ, một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ của ngân hàng trung ương đối với tài sản trú ẩn an toàn.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thúc đẩy sự đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu, cộng hưởng với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu khác đã cân bằng lại lượng vàng bán đi khỏi các Quỹ ETF, vốn là sự phản ứng tức thời mang tính chiến thuật trước việc gia tăng lãi suất. Cho đến cuối cùng, nhu cầu đầu tư nhìn chung vẫn tăng 10% so với năm trước.

Năm 2023, các dự đoán kinh tế đều cho thấy một bối cảnh tương lai đầy thách thức. Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu có thể đảo ngược xu hướng đầu tư vàng. 

Nếu lạm phát giảm, đây có thể là rào cản cho việc đầu tư vàng thỏi và vàng xu. Ngược lại, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu và sự gia tăng tốc độ lãi suất vừa phải có thể mang lại tác động tích cực cho nhu cầu đầu tư vào những quỹ đảm bảo bằng vàng như ETF”.

Các chuyên gia của Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong bối cảnh nhu cầu bị kìm nén tại Trung Quốc được giải phóng khi nước này mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp nhu cầu sẽ suy giảm khi người tiêu dùng siết chặt chi tiêu để thích nghi với tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn.

Nhưng dù thế nào, vàng luôn có tiền lệ thể hiện lợi suất tốt trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn, với vai trò nổi bật như một kênh tài sản đầu tư dài hạn và mang tính chiến lược".

Theo Tuyết Mai/thitruongtaichinhtiente.vn