Những ai được nhận gói 26.000 tỷ đồng?
Gói hỗ trợ lần thứ 2 của Chính phủ lên đến 26.000 tỷ đồng tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, được kỳ vọng góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Ai được nhận gói 26.000 tỷ đồng?
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, như: Người thất nghiệp, lao động tự do, hộ cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, trẻ em và phụ nữ mang thai...
Tuy nhiên, trong 12 nhóm chính sách này có một số nhóm chính sách tác động tích cực tới người lao động và sự hồi phục nền kinh tế như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng; hỗ trợ một lần người lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ dưới 1 tháng hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người. Nghỉ trên 1 tháng hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng; hỗ trợ các hộ kinh doanh 3 triệu đồng/hộ nếu dừng kinh doanh 15 ngày trở lên; doanh nghiệp được vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất…
Một số nội dung trong nghị quyết nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, như: Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5 – 31/12/2021. Hay quy định, hỗ trợ lao động tự do, mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương...
Trước đó, Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ cũng đã chi khoảng 39.000 tỷ đồng, cho khoảng 14,4 triệu người được thụ hưởng. Hiện, Nghị quyết số 42 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Điều đáng nói, hiệu quả triển khai gói hỗ trợ lần 1 còn thấp. Trong quá trình triển khai chính sách còn một số tồn tại vướng mắc, chưa sát đúng, chi trả còn trùng lắp, kê khai thiếu, tình trạng trục lợi chính sách ở một số địa phương tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Kịp thời, đúng đối tượng
Để gói hỗ trợ lần 2 triển khai có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – ông Đào Ngọc Dung – cho biết: Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, thiết kế chính sách đơn giản nhất dễ tiếp cận, thủ tục hành chính giản tối đa 2/3 so với trước đây.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị quyết triển khai theo tinh thần giảm bớt thủ tục. Ví dụ, trước đây cho vay, tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì nay sẽ không cần các thủ tục này; hay việc miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động, doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản đến cơ quan bảo hiểm xin nhận hỗ trợ. Nghị định cũng quy định rõ thời gian với cơ quan hỗ trợ sau bao ngày nhận hồ sơ phải xử lý, trường hợp không xử lý phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
Các cấp, ngành, địa phương phát huy tính chủ động, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ. Việc hỗ trợ ngân sách nhà nước được thực hiện cụ thể: Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với những tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định đối với tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Trong bối cảnh làn sóng lây lan đại dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến hầu hết doanh nghiệp, người lao động đứng ở ngưỡng khó khăn nhất thì Nghị Quyết 68 được đánh giá là phao cứu trợ kịp thời, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt tổn thất, khó khăn.