Những bóng hồng giữ vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp tỷ đô
Họ là những nữ doanh nhân quyền lực đang chèo lái doanh nghiệp tỷ đô hàng đầu tại Việt Nam.
Bà Mai Kiều Liên- Tổng giám đốc Vinamilk
‘Nữ tướng’ Mai Kiều Liên được ví như ‘linh hồn’ của Vinamilk, bà có hơn 25 năm kinh nghiệm trong vai trò Tổng giám đốc (từ 1992 đến nay), góp phần rất lớn vào sự phát triển của công ty cổ phần sữa Việt Nam. Hiện tại, bà là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.
Bà được mệnh danh là ‘người đàn bà thép’, cũng là nữ doanh nhân liên tục được xếp hạng trên tạp chí Forbes. Đầu tháng 3 năm nay, bà là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Tính đến năm 2017 theo báo cáo thường niên của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên hiện đang sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu VNM. Đồng thời, đến ngày 7/2/2018 tổng tài sản của bà Liên là 846,95 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Diệu Linh - Tân chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes
Mới đây, HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes vừa thông qua đề nghị của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về việc bầu bà Nguyễn Diệu Linh làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông.
Được biết bà Nguyễn Diệu Linh có trình độ cử nhân luật và ngoại ngữ. Trước khi về làm việc cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào năm 2005, bà từng là cộng sự hãng luật Gide Loyrette Nouel, Hà Nội.
Bà Bùi Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Sun Group
Không chỉ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn Sun group của tỷ phú Lê Viết Lam cũng vừa có một bóng hồng mới. Theo đó, bà Bùi Thị Thanh Hương, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách khối tài chính chiến lược Ngân hàng TPBank được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sun Group thay cho ông Đặng Minh Tường.
Bà Bùi Thị Thanh Hương từng tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi ngành quản trị kinh doanh tại trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG). Bà Hương cũng được cấp chứng chỉ kiểm toán viên độc lập năm 2005 của CPA (thuộc Bộ Tài chính) và tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân năm 2001.
Trước khi về đầu quân cho Sun Group, bà Thanh Hương đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC
Năm 2018, Hãng hàng không Bamboo Airways đình đám của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã bổ nhiệm bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch HĐQT kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc thay người tiền nhiệm là ông Trần Quang Huy.
Bà Hương Trần Kiều Dung là tiến sĩ luật quy hoạch xây dựng đại học tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air
Không chỉ là thuyền trưởng của hãng hàng không Vietjet Air, bà Thảo còn giữ vị trí chủ chốt tại các ngân hàng và doanh nghiệp.
Hiện bà là Phó chủ tịch thường trực ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh (HD Bank), đồng thời bà còn là Chủ tịch HĐQT Sovico (Sovico).
Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2018, cá nhân bà Thảo hiện đang sở hữu 47,4 triệu cổ phiếu VJC. Ngoài ra, công ty TNHH đầu tư Hướng Dương Sunny (công ty riêng của bà Thảo) hiện đang là cổ đông lớn của Vietjet Air với khối lượng nắm giữ hơn 154 đơn vị. Tính tổng lại thì hiện bà Thảo đang sở hữu hơn 201 triệu cổ phiếu VJC. Theo giá thị trường ngày 6/3/2019 của VJC là 121.000 đồng/cổ phiếu thì số lượng cổ phiếu mà vị tổng giám đốc này đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp có giá trị đã lên đến 24.369 tỷ đồng.
Mới đây, bà Thảo đã tiếp tục lọt vào danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 trên tạp chí Forbes Việt Nam. Trước đó, bà Thảo đã xếp ở vị trí thứ 44 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 do tạp chí Forbes bình chọn. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đang đứng thứ 1.008 trong danh sách tỷ phú thường niên của Forbes mới công bố ngày hôm qua.
Vậy vì sao các tỷ phú Việt rất trọng dụng sếp nữ?
Về mặt chèo lái doanh nghiệp
Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) công bố năm ngoái, tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, thuộc nhóm cao nhất châu Á.
Tuy sinh ra đã được coi là "phái yếu" nhưng hiện nay trong vai trò lãnh đạo và điều hành doanh nghiệp, nữ giới không hề kém cạnh đàn ông.
Sếp nữ sở hữu một số ưu thế vượt trội so với sếp nam. Làm lãnh đạo họ luôn biết khi nào nên lắng nghe và đồng cảm với nhân viên của mình. Họ có thể hiểu rõ nhu cầu của người khác hơn bởi vì họ có thể kết nối ở mức độ sâu sắc hơn.
Ngày nay, lượng nữ giới chiếm vị trí lãnh đạo ngày càng nhiều, năng lực quản lý của phụ nữ là không thể phủ nhận.
Nhiều người thừa nhận rằng, sếp nữ thường thiên về tình cảm hơn so với sếp nam. Do đó hay cảm thông và biết quan tâm đến nhân viên hơn. Bên cạnh đó, họ cũng không quá khó khăn khi tiếp cận công nghệ.
Ở một khía cạnh khác, khi những cuộc họp diễn ra căng thẳng với sự tranh cãi quyết liệt của các nhân viên, sếp nữ vẫn giữ được sự điềm tĩnh để khéo léo đưa ra giải pháp. Xinh đẹp, giỏi giang và tinh tế điều đó khiến nhiều nhân viên đã mong muốn mình được làm việc với một vị sếp nữ.
Về mặt đầu tư
Trong khi nam giới thường đặt cái tôi của mình lên trước và nhiều khi họ thích đi lại xu hướng thị trường một cách không cần thiết, thì phụ nữ lại thường nuôi dưỡng và duy trì tài khoản của họ. Phụ nữ cũng đặc biệt chú ý đế các bước cụ thể trước giao dịch để tránh rủi ro, như vậy họ dễ dàng rút kinh nghiệm và đưa ra chiến lược cho bản thân.
Phụ nữ thường quản lý cảm xúc tốt hơn và giao dịch chuyên nghiệp hơn, do đó % thua lỗ trong các lần đầu tư của họ là rất thấp.