Nữ doanh nhân và “cái duyên” với ngành Dự trữ Quốc gia

Hồng Sâm

(Tài chính) Trở thành Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực (CPLT) Hà Nam thuộc Tổng công ty lương thực miền Bắc vào thời điểm ngành lương thực đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức song chị Trần Thị Loan đã nỗ lực lãnh đạo công ty phát triển mạnh mẽ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, những tưởng chị sẽ nghỉ ngơi, nhưng chị vẫn “nặng lòng” với ngành lương thực khi đứng ra thành lập và tiếp tục là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CPLT Hà Nam Ninh. Nữ doanh nhân dựng nghiệp trên mảnh đất Hà Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng nhì, giải thưởng Bông hồng vàng… luôn là một “con thoi” ngày đêm chuyên cần dệt lên biết bao điều tươi mới cho xã hội bằng cả một trái tim ăm ắp trách nhiệm và tình yêu...

Dám nghĩ, dám làm

Lần đầu tiên được gặp gỡ và trò chuyện với chị Trần Thị Loan nhưng tôi thấy dường như mình đã là người thân từ rất lâu của chị rồi. Chị thân tình kể cho tôi nghe về cơ duyên để chị đến với ngành lương thực. Đấy là câu chuyện được bắt nguồn từ tâm tư, tình cảm đặc biệt luôn đau đáu trong chị về vùng quê nghèo Hà Tĩnh – nơi chị đã sinh ra và lớn lên.

Nữ doanh nhân và “cái duyên” với ngành Dự trữ Quốc gia - Ảnh 1
Bà Trần Thị Loan - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực (CPLT) Hà Nam Ninh.

Chi tâm sự, ban đầu chị đã xung phong đi bộ đội, đã tốt nghiệp đại học tài chính, đã được Nhà nước phân về làm ở Sở Tài chính Hà Nam nhưng, những ký tuổi thơ về người nông dân một nắng hai sương để làm ra hạt gạo trắng trong sao cứ mãi lam lũ cứ mãi nghèo khó đã kéo chị về với ngành lương thực, dù rằng những năm tháng lao động đầu tiên đầy cực nhọc và gian truân. Từ nhân viên bán hàng đến kế toán rồi trưởng quầy, cửa hàng trưởng, năm 2007, chị trở thành nữ chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty CPLT Hà Nam.

Có thể nói, thời điểm chị Loan trở thành giám đốc công ty cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, thiên tai khắc nghiệt đẩy giá cả biến động, đồng tiền mất giá. Trước những thách thức ấy, chị vẫn vững vàng chèo lái con thuyền lớn về đến đích. Đấy là, do trưởng thành từ cơ sở, nhiều năm gắn bó với ngành nên chị biết đoán định, nắm bắt thời cơ chỉ đạo đơn vị mua vào bán ra hợp lý, đúng thời điểm nên hoạt động của đơn vị luôn hiệu quả.

Mỗi năm, công ty tiêu thụ được từ 80-100 ngàn tấn thóc hàng hóa với giá cả có lợi cho nông dân, nhất là lương thực hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Hơn nữa, chị đã tiến hành tổ chức thu mua trực tiếp từ nông dân để chế biến gạo xuất khẩu cung ứng cho Tổng Công ty;  một mặt chủ động nguồn hàng cung ứng xuất khẩu, mặt khác có lượng hàng hóa để kinh doanh ở các tỉnh phía Bắc trong lúc giáp hạt. Trong quá trình làm việc, chị tích cực đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp. Chị đã đề xuất thực hiện việc mua bán luân chuyển thóc gạo, luôn có lực lượng lương thực dự trữ trong kho để khi có biến động giá cả sẽ chủ động can thiệp kịp thời, đồng thời có sự phối hợp với Công ty lương thực các tỉnh bạn và tham gia nhiệm vụ bình ổn khi Tổng công ty có yêu cầu.

Để chủ động được nguồn hàng cho công ty, chị còn đề xuất lập chi nhánh và đầu tư nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại An Giang vừa cung ứng gạo xuất khẩu cho Tổng công ty vừa có nguồn hàng phục vụ nhu cầu kinh doanh gạo nội địa. Từ khi thành lập, chi nhánh đã cung cấp kinh doanh số hoạt động và nguồn lợi nhuận không nhỏ cho công ty. Cùng với đó, thực hiện chủ trương của tổng công ty về đa dạng hóa mặt hàng và lĩnh vực kinh doanh, chị đã đề xuất và thống nhất trong lãnh đạo công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bao bì sợi polyester,  một mặt giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của công ty, mặt khác có bao bì phục vụ việc đóng gạo và cung ứng cho thị trường. Khi cần thiết, công ty có thể cung cấp bao bì cho công tác phòng chống bão lụt theo yêu cầu của Tổng công ty và của tỉnh.

Hàng năm vào vụ, Công ty luôn thực hiện việc thu mua lương thực, cung cấp nhu cầu lương thực trên địa bàn và các tỉnh, đồng thời thường xuyên dự trữ trong khi 500-600 tấn gạo phục vụ nhu cầu đột xuất. Nếu có các biến động về giá do thiên tai, bão lụt hoặc yêu cầu của cấp trên là đáp ứng được ngay, nên được Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Nam đánh giá rất cao.

Người bạn của ngành dự trữ

Điều đặc biệt là ba mươi năm công tác trong ngành lương thực nhưng chị Trần Thị Loan đã có hơn 20 năm cộng tác với ngành dự trữ quốc gia. Chính chị là người đã chủ động đưa ra đề xuất và tạo mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Công ty CPLT Hà Nam với dự trữ quốc gia. Vì thế, công ty đã không chỉ kinh doanh có hiệu quả để tồn tại và phát triển mà còn tiêu thụ lương thực hàng hóa của nông dân, bình ổn giá cả lương thực trên địa bàn...

Hàng năm, công ty tham gia dự thầu cung ứng cho Tổng cục DTNN hàng chục nghìn tấn gạo. Với phương châm, cung ứng với giá cả cạnh tranh và đảm bảo chất lượng, uy tín với khách hàng nên công ty đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với khách hàng. Do vậy, hầu hết các đợt đấu thầu dự trữ công ty đều trúng thầu với số lượng cao nhất. Kể cả trong năm qua, khi chị lãnh đạo Công ty CPLT Hà Nam Ninh, công ty của chị đã trúng thầu gạo nhập cho dự trữ nhà nước lên đến 20 nghìn tấn.

Là cầu nối giữa nguồn lực dự trữ quốc gia với thị trường, vị thủ lĩnh của Công ty CPLT Hà Nam và bây giờ là Công ty CPLT Hà Nam Ninh đã chia sẻ cùng ngành dự trữ những nhiệm vụ mới trong thời đại mới. Chị kể, trong mối kết giao thâm tình này, thuận lợi cũng nhiều song gian khó cũng luôn ăm ắp. Theo chị, rõ ràng, khi ký kết được hợp đồng thầu của các Cục là đơn vị đã có được mối giao hàng, mua hàng ổn định lâu dài. Điều đó cũng có nghĩa là anh em trong đơn vị yên tâm làm việc. Một thuận lợi nữa là không bao giờ phải lo rủi ro tiền vốn chứ không như ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân nếu gặp biến động lớn thì dễ dẫn đến mất vốn.

Vậy nhưng, chị cũng cho biết có nhiều cái khó cho doanh nghiệp. Những cái khó này đều nảy sinh từ cơ chế chính sách nhiều khi chưa sát với thực tiễn. Đấy là vấn đề giá cả thị trường trong những năm qua liên tục biến động. Trong khi đó, ngành dự trữ có nguyên tắc: các hợp đồng bán hoặc mua đã được ký kết thì không thay đổi và giá luôn sát với người dân. Vì vậy, nhiều khi doanh nghiệp phải chịu lỗ hoặc không có lợi nhuận.

Kể những câu chuyện khó trong công việc là như thế nhưng chị Loan lại nói trong ánh mắt rất vui: “Nhưng, với tôi, dù khó đến mấy vẫn phải đồng hành cùng lực lượng dự trữ quốc gia. Chúng tôi vẫn lấy làm vui vì được chung lưng chia sẻ những khó khăn với ngành và cùng ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Mặt khác, trong suốt những năm tháng qua làm việc cùng các anh chị trong ngành dự trữ, tôi thấy các anh các chị đều rất quan tâm đến doanh nghiệp , chia sẻ, gắn bó, lúc khó hay lúc dễ đều có nhau và luôn tạo điều kiện để chúng tôi được cùng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị”.

Nhận xét về những đóng góp của chị Loan cho ngành dự trữ, ông Hoàng Văn Quyết – Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh cho biết: “Mục tiêu chủ đạo trong hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp là lợi nhuận, đặc biệt là trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên với bà Trần Thị Loan, từ khi còn là Chủ tịch Công ty cổ phần lương thực Hà Nam cho đến khi nghỉ chế độ, về thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh, luôn giữ gìn và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và là đối tác đáng tin cậy của cơ quan Dự trữ quốc gia, bởi mục tiêu lợi nhuận không phải là mục tiêu bất biến đối với hoạt động kinh doanh của bà. Nói như thế, có thể nhiều người không tin, song trong mối quan  hệ với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh thì điều đó quả không hề sai . Những doanh nghiệp là đối tác của cơ quan dự trữ, thông thường cơ hội và thách thức thường chiếm tỷ lệ 50/50, có nghĩa là thuận lợi và khó khăn thường đan xen, song cũng có những doanh nghiệp khi thuận lợi thì hợp tác với cơ quan dự trữ, khi khó khăn thì hời hợt. Nhưng với bà Trần Thị Loan thì luôn giữ được mối quan hệ trong bất cứ điều kiện nào. Thậm chí khi chúng tôi gặp khó khăn nhất thì bà Trần Thị Loan lại đi tiên phong trong số các đối tác để chia sẻ khó khăn với chúng tôi, góp phần giúp chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mua cấp trên giao phó. Điển hình là năm 2013 khi mà các Cục Dự trữ Nhà nước gặp khó khăn trong mua thóc DTQG, trong đó có Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh thì riêng bà Trần Thị Loan đã bất chấp khó khăn, cung cấp cho chúng tôi tới 50% chỉ tiêu kế hoạch-điều này được toàn thể CBCC Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh đánh giá cao và xác định luôn là đối tác tin cậy và tín nhiệm cao của chúng tôi.”

Người vợ đảm và giàu lòng nhân hậu

Nói đến một nữ doanh nhân thành đạt nhiều khi người ta thường nghĩ, chắc hẳn người phụ nữ này sẽ phải hy sinh tất cả cuộc sống riêng tư của mình để lo cho công việc. Thế nhưng, trái lại, với chị Loan, chị đã bước đi song hành giữa thành đạt trong công việc với hạnh phúc của một tổ ấm gia đình. Bởi thế, trong câu chuyện với tôi, chị đã nói rất nhiều về người bạn đời của mình bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương cùng niềm kính trọng. Đấy là giữa  muôn vàn nhọc nhằn của cuộc sống vậy nhưng chưa khi nào anh chị nản lòng vượt qua để xây đắp cho tổ ấm của mình vững bền, trong bao khó khăn công việc, chị luôn được anh động viên, sẻ chia.

Dù rất thành đạt ngoài xã hội, khi trở về nhà, chị luôn là một người vợ hiền, vợ đảm, hiếu thuận với cha mẹ, dòng tộc. Chị vẫn luôn dành thời gian nấu những bữa cơm ngon trong tuần cho gia đình hay thăm nom anh chị em trong nhà, động viên con cái học hành thành đạt. Mọi việc trong nhà, chị tự tay sắp đặt, tự tay thu vén, chăm nom.

Vì vậy, bao nhiêu năm dựng xây, tổ ấm của chị luôn ăm ắp tiếng cười hạnh phúc. Chị đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng khen phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” toàn quốc 5 năm (2006-2011), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc” (2006-2011).

Cùng với tổ ấm gia đình, hạt gạo và người nông dân là hai hình ảnh luôn quấn quyện trong tâm trí của người phụ nữ thành đạt này. Chính vì thế, khi có điều kiện, chị lại về với những vùng đất nghèo khó, về với những người nông dân lam lũ để sẻ chia. Mỗi năm, riêng cá nhân chị dành đến cả trăm triệu đồng khi thì ủng hộ bà con bị bão lũ; khi thì giúp đỡ phụ nữ nghèo, trẻ em nghèo, xây nhà tình nghĩa cho thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; khi thì góp sức xây dựng tượng đài 10 cô gái xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý, Hà Nam hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; công đức cho các chùa…

Ngoài ra, chị còn xây dựng phong trào và tổ chức các đợt vận động trong công đoàn công ty ủng hộ người nghèo, người khuyết tật, khuyến học; ủng hộ người dân gặp bão lũ, thiên tai không chỉ trong nước mà cả quốc tế như ủng hộ cho người dân Nhật Bản bị hiểm họa sóng thần; ủng hộ đảo Trường Sa…

Miệt mài làm việc, luôn sáng tạo không ngừng nghỉ để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, xây tổ ấm vững bền, chị Trần Thị Loan đã nhận được những danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động Hạng nhì, chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, giải thưởng Bông hồng vàng, giải thưởng phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”, danh hiệu điển hình tiên tiến, bằng khen của tỉnh Hà Nam…

Năm nay chị đã ở bước sang tuổi 56 vậy nhưng nhìn chị vẫn duyên dáng trong nét đẹp đằm thắm. Nhất là, cách nghĩ, cách làm của chị trong công việc vẫn căng tràn sức trẻ. Có lẽ, sức trẻ luôn căng tràn nơi chị được bắt đầu từ ý chí, nghị lực cùng khát khao học hỏi, cầu tiến, không ngừng vươn lên, không bao giờ dừng bước và bằng lòng với bản thân luôn hiện hữu ở trong người phụ nữ thành đạt và nhân hậu này.