Những điểm đáng lưu ý trong tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016

Theo chinhphu.vn

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính chỉ tăng 5,52%, chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm ngoái. Vì vậy, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đặt ra, cần phải khẩn trương triển khai các giải pháp tổng thể, tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những nguyên nhân tăng trưởng chững lại

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%).

Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014, nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Phân tích sự đóng góp của các ngành vào tăng trưởng, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng, do các yếu tố bất lợi về thời tiết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực I) giảm 0,78% vì sản lượng lúa giảm, nhưng giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp vẫn tăng 5,75%, ngành thủy sản tăng 1,25%.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải, một nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Đặc biệt, khí hậu diễn biến bất thường như rét đậm ở các tỉnh phía bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía nam, đặc biệt là ĐBSCL… đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây là lý do khiến cho khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là lần đầu tiên khu vực nông nghiệp giảm tăng trưởng sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng, ngay cả trong những năm suy giảm kinh tế khó khăn nhất.

Còn trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82%, thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,70% và 8,10%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,80%.

Điểm sáng nhất trong bức tranh tăng tưởng GDP là dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Cần nhiều nỗ lực tổng hợp để đạt mục tiêu đề ra

Tổng cục Thống kê nhận định, muốn đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,7% năm 2016 như mục tiêu đã đề ra, từ nay đến cuối năm cần phải tăng trưởng ít nhất 7,6%.

Do đó, cơ quan này nhận định cần phải khẩn trương triển khai các giải pháp tổng thể, tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp (cải thiện môi trường kinh doanh).

Bên cạnh đó cần phải làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục tốc độ tăng trưởng thấp với một số ngành công nghiệp, nông nghiệp, đồng thời phát huy khả năng tăng trưởng khu vực dịch vụ. Trong dài hạn, có thể kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do dần có hiệu lực, thì kinh tế sẽ phục hồi tốc độ tăng trưởng tốt hơn.

Trong buổi Đối thoại chính sách với các nhà đầu tư 2016 được tổ chức ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần hết sức nỗ lực, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới phục hồi chậm.

Nhìn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm nay tương đối thấp, nhưng vẫn cao hơn năm 2015 (bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015). Do đó, từ nay đến hết năm 2016, sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu…

Các Bộ Tài chính, Công Thương vẫn theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Chính phủ nhiệm kỳ mới đang rất quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Đây là một động lực quan trọng cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Giải đáp những băn khoăn, xoay quanh vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và những tác động đến kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã có chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tác động này đến nền kinh tế Việt Nam và nhận thấy trước mắt không có tác động trực tiếp lớn, vì Anh chưa phải là đối tác chiếm tỉ trọng cao trong thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Tuy nhiên, về dài hạn vẫn cần rà soát cẩn thận các yếu tố, lưu ý đến các tác động gián tiếp như vấn đề giá trị đồng tiền các nước đối tác liên quan, tỉ giá…

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đánh giá tác động của Brexit đối với Việt Nam vào thời điểm này là hơi sớm và mối quan hệ giữa Việt Nam với Anh trong đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng thấp, nên trong thời gian ngắn trước mắt không tác động nhiều.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết thêm, Tổng cục Thống kê đang có nghiên cứu theo chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ KH&ĐT để đánh giá tác động của Brexit trên những góc độ như: Rà soát lại tất cả các dự án đầu tư mà Anh thực hiện tại Việt Nam, tác động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thuế suất.

EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Nếu kinh tế EU suy yếu sau cú sốc này, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, nhất là nhiều dự báo cho rằng, việc Anh rời EU sẽ làm cho kinh tế nước này và cả EU đều suy yếu.