Việt Nam dẫn đầu ASEAN về tăng trưởng GDP năm 2016
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽdẫn đầu trong số 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN,đạt mức 6,3% trong năm nay.
Báo cáoCập nhật Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)được công bố ngày 14/6 cho hay, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (ASEAN 5: bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) thì Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng GDP trong năm 2016, với mức 6,3%.
Vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống còn 6,1%, tương đương mức tăng trưởng của Philippines, và tiếp tục dẫn đầu khối ASEAN 5.
TrongBáo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của OECD, các nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình trong ngắn hạn, bất chấp tăng trưởng toàn cầu vẫn trì trệ.
Theo đó, mức tăng GDP thực tế của khu vực ASEAN được dự báo sẽ ở mức 4,9% trong năm nay và 5,3% trong năm 2017, tăng nhẹ so với mức 4,7% của năm 2015. Trong đó, tăng trưởng của ASEAN sẽ được dẫn dắt bởi kinh tế Việt Nam và Philippines. OECD cho rằng, nhu cầu nội địa sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Tuy nhiên, OECD cảnh báo hiện vẫn đang có nhiều rủi ro tiềm ẩn từ môi trường bên ngoài có thể tác động tới các nước ASEAN; trong đó có sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, sự bất ổn của thị trường tài chính và tác động của tình trạng hạn hán do hiện tượng El Nino.
Do đó, OECD khuyến nghị ASEAN cần tăng cường kết nối giữa các nước thành viên, đồng thời giảm bớt và gỡ bỏ các rào cản thương mại, nhằm duy trì đà tăng trưởng cũng như vượt qua những thách thức.
Cũng theo OECD, năm 2016 là cột mốc quan trọng cho hội nhập khu vực của các nền kinh tế mới nổi châu Á, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào tháng 12/2015. Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 đưa ra gần đây nhấn mạnh đến các giải pháp chiến lược cho cộng đồng này trong giai đoạn 2016-2025.
Các giải pháp này bao gồm khuyến khích thương mại bằng việc giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các rào cản về thủ tục và tăng cường kết nối sâu hơn nữa giữa các nước thành viên. Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) sẽ được xây dựng thành một công cụ pháp lý để hỗ trợ các nỗ lực hiện hữu nhằm tự do hóa ngành dịch vụ.
Ngoài ra, ASEAN đang có những bước đi quan trọng trong việc biến khu vực thành một thị trường đầu tư chung, cũng như cải thiện chính sách và luật cạnh tranh trong khối. Cho đến nay, tiến bộ trong việc thực hiện các chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa đồng đều giữa các nước thành viên.
Báo cáo Triển vọng kinh tế 6 tháng cho khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ là một phần của chương trình Khu vực Đông Nam Á thuộc OECD. Chương trình này hướng tới thúc đẩy trao đổi các thông lệ tốt và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia OECD và ASEAN.