Kiên định mục tiêu, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2016
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Để đạt được mục tiêu trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Các ngành, các cấp với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả mọi lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra”.
Nền kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây, song nhìn chung kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2016 đã chuyển biến tích cực hơn so với trước. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định với lạm phát thấp, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2016 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 4/2016 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,76% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2016 tăng 1,76% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Thông thường, CPI tăng thấp là dấu hiệu cho thấy tổng cầu suy giảm, tuy nhiên mức tăng thấp của những tháng đầu năm nay được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI ở mức thấp và ổn định tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng khoảng 10,6-10,8%, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm “khoảng đệm” chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng.
Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế cũng đạt những kết quả bước đầu, môi trường kinh doanh cải thiện nhờ việc triển khai thực hiện các luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 cũng giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản.
Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2016 lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm 2015, ở khoảng 3% và lạm phát sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản, ở khoảng 2-3%. So với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, năm 2016 còn nhiều dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) được dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016, do tăng trưởng tiếp tục cải thiện, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cho dù việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Khảo sát mới đây của Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam cho biết, hơn 76% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến tiếp tục mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng mới... Đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới.
Sau khi phân tích yếu tố tích cực, tiêu cực, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2016 cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào hội nhập kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm. Điều cần quan tâm chính là ở tăng trưởng nội địa và phát triển từ nội lực của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, trong ngắn hạn, Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách chủ yếu đang suy giảm; Đẩy nhanh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước…. chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ vĩ mô truyền thống là chính sách tiền tệ, tài khóa.
Cùng với đó, kiểm soát tăng trưởng, chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản; sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn…
Về trung dài hạn, cần hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản; củng cố khả năng tạo lập chính sách, phát triển chiến lược cơ sở hạ tầng.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 với những mục tiêu đề ra cho năm tiếp theo đó là tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.
Kiên định mục tiêu trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 - phiên họp thường kỳ đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Các ngành, các cấp với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả mọi lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, chú trọng vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; chú trọng xử lý nợ xấu.
Đối với công tác điều hành chính sách tài khóa, cần tăng cường chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần; quản lý chặt chẽ, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung, có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực từ tài sản công; xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân các dự án đầu tư công; sớm hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đánh giá hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng dưới hình thức PPP để có giải pháp phù hợp...
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; kiểm soát nhập khẩu, triển khai các hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan phù hợp; tăng cường phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, giải quyết tốt vấn đề biên mậu…