Những điểm sáng của nền kinh tế trong quý I/2014
(Tài chính) Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã bắt đầu đi vào ổn định. Theo đó, GDP quý I/2014 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong ba năm vừa qua. CPI cuối quý I/2014 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,83% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây. Xuất khẩu tích cực với mức xuất siêu đạt hơn 1 tỷ USD tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010.... FinancePlus.vn điểm lại những điểm sáng của nền kinh tế trong quý I/2014.
Lạm phát có xu hướng giảm. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát loại trừ giá hàng lương thực thực phẩm đã giảm từ mức 9,6% vào cuối quý I/2013 xuống còn 5,2% vào cuối quý I/2014. Lạm phát loại trừ yếu tố thời vụ trong quý I/2014 ở mức 3,43%, tăng so với mức 2,6% của quý I/2013. Có thể nói, nhờ lạm phát có xu hướng giảm nên đã tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến ngày 23/3/2014, lãi suất huy động đã giảm 0,5-0,8 điểm % so với đầu năm đối với các kỳ hạn ngắn và giảm 0,2-0,5 điểm % đối với các kỳ hạn dài. Tình hình trên tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp (DN). Chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ thu hẹp, tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định, cho thấy niềm tin vào VND đang được củng cố.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) có triển vọng khá. Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện dự toán NSNN cho thấy, luỹ kế thu quý I đạt 195.070 tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: Thu nội địa: thực hiện lũy kế thu quý I đạt 133.680 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể thu tiền sử dụng đất tăng 16,3%); đánh giá chung tình hình thu nội địa quý I/2014 đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 (đạt 22,7% dự toán), năm 2013 (đạt 20,9% dự toán). Thu về dầu thô: luỹ kế thu quý I ước đạt 26.090 tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2013. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: luỹ kế thu quý I đạt 52.550 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2013; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (18.000 tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I ước đạt 34.550 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2013.
Tình hình các DN cải thiện hơn: Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN gặp khó khăn đã phải ngừng hoạt động nhưng nay quay trở lại hoạt động trong quý I/2014 đạt 4.622 DN, tăng 48,9% so với quý IV/2013. Ngoài ra, cả nước có 18.358 DN đăng ký thành lập mới (với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sức khỏe của DN cũng đã cải thiện hơn rất nhiều. Cụ thể, các chỉ số về khả năng trả nợ của khu vực DN đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012; Tỷ số thanh toán hiện thời và thanh toán nhanh và lãi vay đều được cải thiện đáng kể, tương ứng đạt 1,42 lần, 0,87 lần và 2,85 lần; Đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/tổng vốn) giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 (59,79%); Hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện với ROA và ROE tăng tương ứng 5,1 và 2,3 điểm % so với năm 2012.
Hệ thống ngân hàng có nhiều chuyển biến khá: Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống khá tốt. Lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm và huy động tiền gửi dân cư tiếp tục tăng khá. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã xuống khá thấp nhờ lãi suất đầu vào giảm bên cạnh việc các ngân hàng sẵn sàng giảm lãi để chia sẻ khó khăn cùng DN. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với các lĩnh vực ưu tiên còn khoảng 8%/năm; lãi suất cho vay thông thường kỳ hạn ngắn khoảng 9 - 10,5%/năm và dài hạn còn 11 - 12,5%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tín dụng của toàn hệ thống tháng 3/2014 đã tăng trưởng hơn 1% so với tháng 2. Tính hết quý I/2014, tín dụng đã tăng trưởng trở lại sau hơn hai tháng ì ạch trước đó.
Niềm tin của cộng đồng DN và người dân đã quay trở lại. Báo cáo thường niên DN 2013 do Ngân hàng Thế giới vừa được công bố mới đây cho thấy, trong năm 2014, 50,7% số DN khảo sát có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh; 42,5% DN có thể mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động. Với những DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, triển vọng kinh tế đã tốt hơn và Việt Nam vẫn có lợi thế trong việc cung cấp lao động có sức cạnh tranh. Trong khi đó, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và doanh dịch vụ. Điều tra của tổ chức này cho thấy trong tháng 2/2014 số hộ gia đình được hỏi có dự tư vào sản xuất, tăng so với mức 6% tại cuộc điều tra giữa năm 2013.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trở lại. Theo đó, thị trường chứng khoán đã liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới kể từ năm 2009 và được xếp vào thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong quý I/2014. Tính đến ngày 25/3/2014, chỉ số Vn-index đã tăng 19% so với cuối năm 2013, lên mức cao nhất (601 điểm) kể từ tháng 11/2009.